GS. Nghiêm Đức Long: Australia có nền giáo dục tiên tiến, cơ sở trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại và nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới. Australia hiện đứng thứ 24 trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo của WIPO, hơn Việt Nam 22 vị trí. Sẽ có nhiều cơ hội để hai nước chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo. Australia có các cơ chế hiệu quả để tận dụng nguồn nhân lực để phát triển KHCN. Cách thức tiếp cận KHCN của Australia rất có hệ thống. Các nghiên cứu khoa học thường rất thiết thực có thể áp dụng vào đời sống với hiệu quả cao. Kinh nghiệm chuyển giao vào áp dụng KHCN vào sản xuất và đời sống hàng ngày của Australia sẽ rất bổ ích cho Việt Nam.
Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tôi mong rằng Australia và Việt Nam sẽ có thêm nhiều chương trình hợp tác đặc biệt là các chương trình trao đổi học tập để các nhà khoa học và quản lý khoa học hai nước có thể học hỏi lẫn nhau. Nhưng hợp tác này cũng cần tập trung vào những lĩnh vực cả hai nước đều có nhu cầu hoặc có thế mạnh. Nền KHCN của Australia có thế mạnh về công nghệ nông nghiệp, môi trường, quản lý quỹ tài chính, khai khoáng…
Giáo sư có thể chia sẻ thêm về những đóng góp của cộng đồng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại Australia cho sự phát triển của đất nước thời gian qua?
GS. Nghiêm Đức Long: Là một quốc gia đa văn hóa, Chính phủ Australia luôn khuyến khích người dân giữ gìn bản sắc văn hóa riêng và tạo cơ hội cho những đóng góp tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Australia và quê hương mỗi người.
Australia có một cộng đồng người Việt lớn mạnh. Theo Tổng cục thống kê Australia, hiện có 335 nghìn người Úc gốc Việt, chiếm khoảng 1,3% dân số Australia. Trong số này, có nhiều chuyên gia khoa học.
Các chuyên gia và trí thức người Việt tại Australia đã và đang có nhiều đóng góp rất tích cực cho phát triển KHCN tại Việt Nam. Đặc biệt, Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (viết tắt là VASEA) đã đăng ký tại Australia và được cơ quan quản lý Australia cấp giấy phép hoạt động chính thức từ ngày 12/5/2023. VASEA là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập trên cơ sở hợp nhất các câu lạc bộ trí thức Việt Nam từ các tiểu bang và vùng lãnh thổ Australia. Các câu lạc bộ này được thành lập từ năm 2018, khi hai nước ký Tuyên bố chung về Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.
Ngày 10/8/2023, VASEA đã làm lễ ra mắt chính thức tại thành phố Melbourne. Tại buổi lễ, VASEA đã nhận được sự ủng hộ và khích lệ của đại diện Chính phủ Australia và Việt Nam, các các cơ quan đối tác và cả các hiệp hội trí thức người Việt tại các nước khác như Nhật, Đức.... VASEA cũng đã nhận được hỗ trợ tài chính không ràng buộc từ các nhà tài trợ để có kinh phí hoạt động.
Sự ra đời của VASEA đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hòa nhập và phát triển của cộng đồng người Việt nói chung và cộng đồng trí thức, chuyên gia người Việt nói riêng ở Australia. Australia là một quốc gia đa văn hóa, đa chủng tộc. VASEA và cộng đồng người Việt tại Australia luôn có mong muốn được đóng góp cho cả Australia và quê hương Việt Nam.
Vậy Giáo sư có góp ý gì để Việt Nam có thể thu hút và phát huy hơn nữa nguồn lực trí thức người Việt ở nước ngoài, thưa Giáo sư?
GS. Nghiêm Đức Long: Nguồn lực trí thức người Việt ở nước ngoài là một tài nguyên quí báu của Việt Nam. Người Việt ở đâu cũng hướng về quê hương. Theo tôi, để thu hút sự quan tâm của trí thức người Việt ở nước ngoài đến quê hương Việt Nam không khó. Cái khó ở đây là việc tận dụng nguồn lực này.
Tiền đề quan trọng nhất là quan hệ ngoại giao cấp chính phủ giữa Việt Nam và nước sở tại. Các nhà khoa học người Việt ở Australia có khả năng và cơ hội đóng góp, giúp sức xây dựng nền KHCN mạnh cho Việt Nam cũng nhờ quan hệ hữu nghị thân thiện giữa hai nước.
Tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ cởi mở hơn để tạo điều kiện cho lực lượng trí thức người Việt ở nước ngoài đóng góp cho đất nước, qua các đề án giảng dạy trực tuyến, chương trình thỉnh giảng và hợp tác nghiên cứu ngắn hạn.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!