Cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu cần phát huy nội lực để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN)...
Ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà khoa học giỏi, xuất sắc, các chuyên gia cho rằng, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu cần phát huy nội lực để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN).
Mới đây, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn đã ký, phát đi thông báo việc thí điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học xuất sắc. Theo đó, cán bộ khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội có công trình công bố vượt trội sẽ được hưởng mức hỗ trợ với hệ số gấp từ 1,5 đến 3 lần so hiện hành. Cụ thể, với công trình là bài báo, mức hỗ trợ từ 30 triệu đến 150 triệu đồng. Với đơn vị đăng ký bảo hộ, mức hỗ trợ từ 22,5 triệu đến 90 triệu đồng.
Ngoài ra, cán bộ khoa học có nhu cầu có thể tạm ứng trực tiếp tại Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là mức hỗ trợ cao nhất mà đơn vị áp dụng, tập trung vào công trình công bố đỉnh cao.
Hiện, chính sách được thí điểm áp dụng đối với cán bộ khoa học cơ hữu tại các cơ sở trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Hệ thống xếp hạng đối sánh, Trường ĐH Việt Nhật, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật; các Viện Nghiên cứu. Đối với đơn vị không thuộc phạm vi áp dụng, ĐH Quốc gia Hà Nội khuyến khích sử dụng kinh phí từ Quỹ Khoa học công nghệ theo quy định của Nghị định số 109/2022/NĐ-CP và nguồn kinh phí hợp pháp của đơn vị để thực hiện chính sách thí điểm này.
Từ chính sách thí điểm của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu cần phát huy tiềm năng, nội lực để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KHCN. Tùy theo điều kiện, năng lực, các đơn vị có hỗ trợ khác nhau nhằm động viên khích lệ nhà khoa học, nhất là đội ngũ trẻ.
Nhấn mạnh, KHCN là sức sống của cơ sở giáo dục đại học, có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, GS.TS Nguyễn Thị Lan - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của đội ngũ trí thức, cơ sở giáo dục đại học trong phát triển KHCN càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Học viện đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đạt một số kết quả quan trọng như: Tăng số lượng đề tài, dự án KHCN nhờ vào tăng cường hợp tác trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tiếp cận trình độ quốc tế.
Hiện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành lập các nhóm nghiên cứu gồm: 36 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 nhóm nghiên cứu xuất sắc và 4 nhóm nghiên cứu tinh hoa. Từ đó, tăng cường các nghiên cứu chuyên sâu, mang tính đột phá để tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao và tăng cường công bố quốc tế.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, công tác nghiên cứu khoa học phải là bệ đỡ và sức sống, hơi thở của các cơ sở giáo dục đại học. Muốn vậy, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm cần đạt chuẩn quốc tế (ISO). Các cơ sở này không chỉ là điều kiện cần để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo và công bố quốc tế; mà còn đóng vai trò quan trọng trong tạo công nghệ mới, cũng như phát triển dịch vụ xã hội phục vụ cộng đồng.
Đơn cử, 5 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tập trung phát triển mạng lưới các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Các phòng thí nghiệm này vừa cho phép phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, vừa đảm nhiệm vai trò dịch vụ xã hội. Học viện có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu; trong đó 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO. Các phòng thí nghiệm phân tích được 700 chỉ tiêu; trong đó có trên 585 chỉ tiêu dịch vụ.
“Các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu, tạo công nghệ mới, mà còn là địa chỉ tin cậy, được hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tin tưởng hợp tác trong đánh giá, phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm”, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay, đồng thời khẳng định, Học viện luôn coi trọng sinh viên nghiên cứu khoa học. Tới đây, đơn vị dành khoảng 500 đề tài cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Các em có thể đăng ký dự thi ý tưởng nghiên cứu khoa học theo tháng, quý, năm.
Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng, làm thay đổi thế giới ở nhiều lĩnh vực, tạo ra những thách thức lớn đối với đất nước. Ông Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm và cho rằng, với trí tuệ thông minh, người Việt Nam chắc chắn sẽ thích nghi với cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề là chúng ta phải có chính sách, cơ chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài; đặc biệt đầu tư nhiều cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và khoa học, công nghệ.
Đề xuất Nhà nước cần có chính sách đặc thù đột phá ươm mầm tài năng khoa học trẻ, TS Trần Quang Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhìn nhận, từ chính sách này, họ có thể trở thành chuyên gia, nhà khoa học đầu đàn, tổng công trình sư trong tương lai.
Ngoài ra, cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhà khoa học trẻ để họ tiếp tục duy trì đam mê, cống hiến cho đất nước; hỗ trợ kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, lan tỏa phong trào nghiên cứu, khát vọng phát triển đất nước dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, các trường đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong đi đầu thông qua các sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học – kỹ thuật; đồng thời đẩy mạnh chuyển giao tri thức, ứng dụng công nghệ mới và tăng cường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.