Thực hiện Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, xu hướng chọn trường, chọn thầy của phụ huynh học sinh cũng dần thay đổi.
Dần bỏ tư duy lối mòn
Tại Hải Phòng, tâm lý chọn trường, chọn lớp, chọn cô vẫn là đề tài nóng mỗi dịp tuyển sinh đầu cấp, nhất là cấp THCS. Thực tế, nhiều năm qua, tình trạng xin học lớp đầu khối, lớp tài năng vẫn là nhu cầu hiện hữu. Thậm chí, ngay sau Tết Nguyên đán, dù chưa tới thời điểm các trường được phép tuyển sinh, nhưng phụ huynh đã "chạy đôn, chạy đáo" lo học cho con. Điều này, dẫn đến nguồn dư luận "ngầm" không hay đối với ngành Giáo dục mà cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý.
Mặt khác, tại nhiều trường thuộc "top" lớn trong nội thành Hải Phòng, số lượng học sinh lớp đầu, lớp có cô chủ nhiệm "tên tuổi" số lượng học sinh cao hơn nhiều so với biên chế học sinh/lớp học theo Điều lệ quy định.
Chị Nguyễn Thanh Thu, phường An Dương (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) tâm sự: Con trai chị năm tới vào lớp 6. Ngay trước Tết Nguyên đán chị đã tìm hiểu thông tin về những thầy, cô sẽ đón lớp đầu cấp để xin được vào lớp đó. Sau khi có nguyện vọng chọn thầy, cô, chị sẽ nhờ người đề xuất với hiệu trưởng để con được vào lớp. Tuy nhiên, những thầy, cô có tiếng dạy tốt sẽ rất đông học sinh xin học, vì thế ra Tết chị phải tìm cách xin học cho con ngay.
Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2, một trong những nội dung đáng chú ý là “giáo viên các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với những em đang được nhà trường phân công giảng dạy trên lớp”. Việc giáo viên không được dạy thêm ở ngoài với chính học sinh của mình đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chọn cô, chọn trường của nhiều cha mẹ học sinh.
Hơn nữa, với học sinh các khối lớp 6,7,8 sẽ không được học thêm trong trường nếu không thuộc nhóm: học sinh có học lực chưa đạt và học sinh ôn thi học sinh giỏi. Vì thế, nếu học sinh có nhu cầu học thêm sẽ ra trung tâm, cơ sở dạy thêm để học. Nhu cầu học thêm lớn, nguồn giáo viên dạy giỏi của Hải Phòng đăng ký dạy thêm tại các trung tâm cũng không nhỏ, vì thế dịch vụ giáo dục sẽ đáp ứng công bằng cho học sinh.
Chị Hoàng Thị Mai, ngõ 248 Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng cho biết, không thể phủ nhận việc chọn cô, thầy đầu khối để dạy con là nhu cầu có thực và cần thiết. Tuy nhiên, từ trước tới nay, tâm lý phụ huynh muốn con học thầy, cô nào sẽ được học ôn thầy, cô đó để theo suốt những năm học THCS. Có vậy, phụ huynh mới yên tâm chất lượng ôn thi vào lớp 10. Nhưng quy định tại Thông tư 29 khiến phụ huynh băn khoăn, có nên chọn lớp, chọn cô cho con khi muốn học thêm cũng không được học chính cô dạy trên lớp.
"Trên nhóm lớp, ban chi hội cũng lập bình chọn để cùng nhau đăng ký cho con học thêm tại trung tâm với môn Toán, Văn, Anh, Khoa học tự nhiên. Nhưng cô, thầy đứng lớp lại là giáo viên khác trong trường. Chi hội trưởng cũng thông tin, các cô, thầy đều là giáo viên dạy tốt và nội dung dạy học đều theo chương trình giáo dục chung. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không an tâm bởi trình độ và năng lực mỗi thầy, cô một khác dù có thể đều thực hiện mục tiêu giáo dục", chị Mai bày tỏ.
Vì thế, trước nhu cầu tuyển sinh đầu cấp, nhiều phụ huynh đang xoay hướng, không chạy đua chọn thầy, cô đầu khối, thay vào đó tham khảo trung tâm dạy thêm, học thêm có uy tín, thầy, cô dạy giỏi để đăng ký cho con theo học thêm.
Thực tế, khi triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm rất nhiều trung tâm, cơ sở dạy thêm, học thêm ra đời. Và cũng không ít đơn vị mong muốn "bắt tay" với nhà trường, giáo viên để tuyển sinh và đưa chính học sinh trong trường ra trung tâm để thầy, cô đứng lớp dạy chính học sinh của mình. Tuy nhiên, việc làm này vi phạm quy định tại Thông tư 29 và nếu cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm.
Vì thế, ngày 5/3, tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT về việc thực hiện Thông tư 29, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã yêu cầu: Để thực hiện tốt Thông tư, ngành giáo dục cần đề cao vai trò của cán bộ quản lý các cấp trong việc quán triệt, tuyên truyền, định hướng, phân tích. Đặc biệt, đề cao tính tự tôn, tự trọng của đội ngũ thầy, cô.
Hướng tới sự công bằng trong giáo dục
Chia sẻ về việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm, một giáo viên Ngữ văn tại quận An Dương, TP Hải Phòng cho hay: Trước kia, việc khó xử, "cấm kị" nhất của giáo viên là không dạy học sinh của đồng nghiệp. Bởi tư duy, cô được phân dạy lớp nào thì sẽ dạy thêm với lớp đó. Nguồn thu nhập lớn của giáo viên phụ thuộc vào dạy thêm, học thêm. Nên trong trường không có chuyện giáo viên dạy học sinh ngoài lớp được nhà trường phân công.
Nhưng cái hay của Thông tư 29 là tạo nên sự công bằng trong việc thể hiện năng lực của giáo viên. Thầy, cô dạy có tiếng dạy giỏi nếu đầu quân cho trung tâm sẽ có nhiều học sinh đăng ký học.
Ngược lại, giáo viên không có năng lực sẽ khó thu hút học sinh. Điều này, tạo nên động lực tích cực cho thầy, cô để thay đổi tư duy, tự bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn, nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, học sinh có quyền chọn thầy, cô uy tín để theo học ngoài nhà trường nếu có nhu cầu.
Khi được hỏi, nhiều phụ huynh cũng có chung quan điểm, đến lúc cần thay đổi tư duy chọn trường, chọn cô, hạn chế những tiêu cực từ cuộc đua này.
Theo thầy Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, quy định mới về dạy thêm, học thêm sẽ là cơ hội để giáo viên không ngừng trau dồi tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục mới.
Bà Đặng Thúy Liên, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố cho rằng, việc dạy thêm ở ngoài nhà trường sẽ dần trở thành một dịch vụ về giáo dục, người học được quyền lựa chọn thầy, cô có năng lực, uy tín, học theo nhu cầu. Với những học sinh không có nhu cầu học thêm, cũng không bị ảnh hưởng bởi tâm lý sợ "trù dập" và có nhiều thời gian tự học ở nhà. Bởi vậy, thầy, cô giỏi sẽ “sống khỏe”, còn giáo viên “ăn theo tư duy lối mòn" không có năng lực tốt sẽ dần mất học sinh.