Văn hóa

Thức quà đặc biệt

14/07/2025 07:27

Nhắc đến nem chua Thanh Hóa thì khỏi phải bàn về độ nổi tiếng.

Quê nội tôi ở Thanh Hóa. Nơi đây, bên cạnh núi rừng hùng vĩ, điệp trùng cùng những di tích lịch sử nổi tiếng như Lam Kinh, đền Bà Triệu, cầu Hàm Rồng, đò Lèn… còn có bao thức quà làm lòng người nhung nhớ, trong đó không thể không nhắc tới nem chua.

Nhắc đến nem chua Thanh Hóa thì khỏi phải bàn về độ nổi tiếng. Giữa muôn vàn thương hiệu cùng tên đến từ nhiều tỉnh/thành khác như Ước Lễ, làng Vẽ (Hà Nội), Yên Mạc (Ninh Bình), Quảng Yên (Quảng Ninh), Bình Lương (Hưng Yên), Bùi Xá (Bắc Ninh), Đại Từ (Thái Nguyên), Đông Ba (Huế), Lai Vung (Đồng Tháp)..., song cái tên đó vẫn có chỗ đứng vững vàng trong lòng những người sành ăn.

Về cơ bản, đây là món ăn được chế biến từ thịt lợn sống cùng những nguyên liệu khác như tỏi, ớt, bì, lá ổi… Vị chua đặc trưng xuất phát từ hiện tượng lên men của thịt sống và chính quá trình này đã làm chín thịt.

Biết được điều này, tôi liền phỏng đoán vui vui rằng, có lẽ nem chua được ra đời từ sự… đãng trí của một đầu bếp khéo tay. Vào một ngày nọ, những miếng thịt sống vô tình bị… bỏ quên, tự lên men và qua quá trình quan sát cũng như thử nghiệm, nhờ đó một món ăn mới có tên là nem chua ra đời.

Ở mỗi vùng miền, nem chua sẽ có những người anh em khác nhau khi cách chế biến cũng như thưởng thức được biến tấu để phù hợp với khẩu vị. Chẳng hạn, như ở Nam Định, Bắc Ninh cũng có nem làm từ thịt và có vị chua nhưng được gói thành nắm to trong lá chuối. Khi ăn cần bày ra đĩa, bóp tơi và rắc thêm chút thính.

Hoặc như nem chua Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) gói thành những hình trụ lớn, cần phải cắt thành từng khoanh. Riêng nem chua Thanh Hóa lúc nào cũng nhỏ xinh như ngón tay; hoặc cũng có “biến thể” gói vuông nhưng vẫn vừa vặn cho mỗi lần thưởng thức.

thuc-qua-dac-biet-1.jpg
Nhắc đến nem chua Thanh Hóa là nhắc đến một thức quà đặc biệt. Ảnh: Bình Thanh.

Ngoài sự tiện lợi ấy, cảm tình của tôi với nem chua Thanh Hóa còn vì lúc nhỏ mỗi khi về quê thì đây thường là thức quà các ông chú, bà dì dúi vào tay trước khi lên xe trở về Hà Nội. Thực ra, khi đó tôi chẳng quan tâm mấy đến hương vị của nem mà thứ chiếm trọn tình cảm của tôi chính là lớp áo lá chuối xanh bọc kín cái hình dáng thon thon.

Bởi vì khi mọi người thưởng thức, tôi sẽ nhặt những lá ngoài làm đồ chơi. Tất nhiên, bên cạnh tôi là bà nội cùng mẹ luôn sẵn sàng làm trợ lí đắc lực bằng việc lau sạch mấy mảnh và làm cho tôi nào là đồng hồ để đeo, nào là những con sâu lá chuối. Thế là, tôi được tha hồ nghịch ngợm theo cách của mình.

Lớn lên, tất nhiên, tôi dần biết thưởng thức hơn. Tôi đã biết để ý đến hương vị của những chiếc nem chua mà mỗi lần về quê được các ông bà gửi quà. Nhưng đúng lúc tôi bắt đầu mê hương vị chua cay cuốn hút, mẹ tôi đã xuất hiện và đưa một điều luật rất… lạ.

Nghe thật buồn cười phải không nào nhưng thật sự là trong gia đình tôi đã có hẳn một luật lệ về việc ăn nem chua do mẹ tôi đặt ra. Đó là, khi còn bé (còn học tiểu học), thì tôi cũng như là em tôi sau này, chỉ được ăn đúng một cái trong bữa ăn.

Và, chiếc nem này, chúng tôi sẽ chỉ được ăn vào cuối bữa, tức là sau tổng cộng hai bát canh, hai bát cơm. Rõ ràng, mẹ tôi cũng có cái lí của mình, khi mà nem chua cũng không tốt lắm cho quá trình tiêu hóa của trẻ nhỏ, dễ gây ra đau bụng.

Thế nhưng, với tôi, và tất nhiên là em tôi sau đó, chúng tôi thấy điều luật này thật “khủng khiếp” vì cảm giác phải vừa ăn cơm vừa ngắm phần nem chua chỉ có thể là một cái, quả là khó chịu.

Chỉ đến giây phút húp roạt xong bát canh đã điểm, chính là lúc tôi được thưởng thức. Khỏi phải nói, tôi mong chờ giây phút ấy đến nhường nào trong suốt bữa cơm. Thế là, miếng nem chua bé xíu thôi đã được tôi và sau này, vẫn là em tôi học từ tôi, ăn dè từng chút một, vừa thưởng thức vừa ngắm nghía như một “báu vật”. Thế nên, đến ngày lên lớp 6, được phép ăn hai cái nem trong một bữa ăn, tôi như thấy bản thân mình được đánh dấu về “đẳng cấp” - anh lớn rồi đấy.

Thật ra, mỗi khi nhìn nem chua, tôi cũng nhận được cho bản thân mình những bài học. Đó là, ban đầu cũng như những miếng thịt tươi sống khác, thế nhưng thay vì được nấu chín, đun sôi thì với nem chua, chúng đã tự “làm chín” bản thân mình.

Quá trình lên men đó cũng giống như việc con người phấn đấu, học tập và rèn luyện để hoàn thiện bản thân vậy. Để có được miếng nem chua thơm ngon, vừa giòn, vừa dai của bì lại đậm mùi cay nồng tỏi ớt, bùi bùi của lá ổi rồi ăn kèm với lá đinh lăng, thì thịt tươi phải trải qua từ hai đến ba ngày lên men.

Điều này rất dễ kiểm chứng. Nếu cơ sở sản xuất nào không chú tâm về chất lượng là sẽ biết ngay. Chẳng thế mà, nếu ngày trước bà con, cô bác hay đặt trên thành phố làm quà thì giờ chuyển về phố huyện Nga Sơn có thương hiệu nem Khang ủ trực tiếp bằng lá chuối tươi (chứ không qua lớp bọc túi bóng) nên có mùi vị không chỉ tươi ngon mà còn gợi nhắc vị quê.

Thế đấy, thức quà này đã gợi ý cho tôi bài học về sự cố gắng tự học hỏi, tự “làm chín” và hoàn thiện bản thân. Để đạt được thành công cần phải có nhiều yếu tố nhưng bản thân mình tự nỗ lực mới là yếu tố quyết định nhất.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thuc-qua-dac-biet-post738247.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thuc-qua-dac-biet-post738247.html
Bài liên quan
3 cách biến tấu đậu hũ thành món ngon đưa cơm
Đậu hũ, tuy là nguyên liệu quen thuộc với mức giá “phải chăng” nhưng lại có thể biến hóa thành vô vàn món ngon khó cưỡng. Với một chút khéo léo, bạn hoàn toàn có thể “biến hóa” đậu hũ thành những món ăn ngon miệng và cực kỳ “hao cơm”. Dưới đây là 3 gợi ý hấp dẫn để bạn đổi vị cho cả nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thức quà đặc biệt