Các nền kinh tế có thu nhập cao hơn ở châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore, chi phí SGK được trả bởi phụ huynh, tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, ở những nước mà phụ huynh phải mua SGK thì thị trường mua bán lại sách cũ rất sôi động. Trong khi Việt Nam chưa có thị trường mua bán SGK cũ.
Để đạt được sự thay đổi thực sự, mang tính toàn diện, hiệu quả, việc xây dựng chính sách về SGK đòi hỏi sự tích hợp của nhiều yếu tố, sự phối hợp liên ngành giữa cơ quan chuyên môn về giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách. Đơn giá SGK phải chú ý đến yếu tố như: Thời gian tồn tại của sách (sách càng sử dụng lâu thì chi phí hàng năm sẽ càng thấp), số lượng xuất bản, tỷ lệ giữa sách tái sử dụng (sách không viết vào trực tiếp) và số lượng sách dùng một lần (có thể viết vào trực tiếp như vở bài tập).
Giải pháp cho thuê, mượn
Bên cạnh các chính sách về SGK, một số nước đã thành lập quỹ hỗ trợ SGK ở trường học. Quỹ này do ngân sách hỗ trợ một phần và một phần thu từ cho thuê SGK. Quỹ hỗ trợ này được sử dụng một cách chặt chẽ. Hệ thống cho thuê SGK được áp dụng nhằm giảm áp lực tài chính và được coi như cách để chia sẻ chi phí giáo dục với phụ huynh. Các trường cho thuê một bộ sách đầu năm học và thu lại sách khi kết thúc năm học. Phí thuê hàng năm do phụ huynh trả cho trường và trường có thể nộp lại quỹ hỗ trợ, mức phí thuê do chính quyền địa phương quy định. Nhờ hệ thống cho thuê mà SGK được tái sự dụng nhiều năm, sách cho thuê đòi hỏi chất lượng giấy, bìa và kỹ thuật đóng sách tốt.
Trong một số trường hợp thì các quỹ hỗ trợ phát triển tốt, có dư để tái đầu tư cho thư viện trường. Tuy nhiên, thất bại trong việc quản lý quỹ, tiêu cực và thiếu kho lưu trữ, SGK hư hỏng vì mối mọt, thiên tai cũng gây ra sự sụp đổ việc cho thuê SGK.
Như vậy, việc kéo dài vòng đời sử dụng SGK là điểm mấu chốt để giảm chi phí. Ở những nước thu nhập thấp thì việc in lại tất cả SGK hàng năm là không hợp lý và gây lãng phí lớn. Những quốc gia đã được xã hội hóa (như Việt Nam), Chính phủ nên kiểm soát giá SGK.
Trước hết, các bộ ngành liên quan, nhà xuất bản có biện pháp hạ giá thành SGK. Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; nhanh chóng sửa đổi Luật Giá để SGK được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Kế đến, ngân sách địa phương hỗ trợ. Đồng thời, các trường phổ thông công lập vận động phụ huynh, học sinh, các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí mua SGK mới và quyên góp SGK cũ cho thư viện nhà trường; đối tượng được mượn sách cũng mở rộng dần. Nhà trường thành lập nhóm Zalo, Facebook để phụ huynh chia sẻ SGK cũ với nhau.
Các trường tư thục và nhà sách tư nhân xây dựng cơ chế cho thuê SGK, chẳng hạn thuê sách mới bằng nửa giá bìa, thuê sách đã sử dụng bằng 1/3 giá bìa và giảm giá thuê dần.
Về lâu dài, theo xu hướng của thế giới, Nhà nước cần xây dựng lộ trình cấp miễn phí SGK (nhà trường cho mượn sách hàng năm), trước hết là đối với cấp tiểu học (cấp học thực hiện giáo dục bắt buộc), sau đó mở rộng dần đến THCS (cấp học sẽ được miễn học phí hoàn toàn từ năm học 2025 – 2026). Các nhà xuất bản SGK cung cấp miễn phí SGK điện tử để cho học sinh truy cập, tham khảo và học tập.
Để tái sử dụng SGK (cho mượn hoặc cho thuê), các trường cần có hệ thống sử dụng và bảo quản tốt. Việc quản lý và sử dụng SGK phải được thanh tra, giám sát thường xuyên và công khai, tránh tiêu cực, lãng phí.