Ngoài ra, Nam còn mua các loại linh kiện để thuê Lưu Trọng Nghĩa (SN 1996), trú tại Đông Anh, Hà Nội vẽ bản vẽ thiết kế thân súng, ổ quay chứa đạn để Hà Công Nhật (SN 2001), trú tại Hương Khê, Hà Tĩnh gia công, chế tạo cho Nam lắp ráp, hoàn thành thành khẩu súng quân dụng có hình dạng đèn pin.
Bằng cách thức đó, Nam và đồng phạm đã chế tạo được gần 20 khẩu súng quân dụng có hình dạng đèn pin, Nam đã mang bán được 8 khẩu cho các đối tượng ở nhiều địa phương như: Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ, Khánh Hòa... Ngoài ra còn có súng thể thao, súng săn.
Trong số các khẩu súng Nam đã mang bán, Cơ quan điều tra thu được 30 khẩu súng các loại cùng 1.400 viên đạn, 300 linh kiện các loại. Đến nay, Phòng ANĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã làm rõ 17 đối tượng phạm tội trong đó có 5 đối tượng thực hiện hành vi chế tạo, 12 đối tượng thực hiện hành vi mua bán, tàng trữ; đã khởi tố, bắt giữ 14 bị can, số còn lại đang củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Gửi bộ phận rời của súng kèm video hướng dẫn cách lắp ráp
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Diệp Văn Vinh, Trưởng Phòng ANĐT Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, quá trình điều tra gặp không ít khó khăn khi các đối tượng phạm tội che giấu thân phận (sử dụng địa chỉ giả, sim điện thoại không chính chủ...), thường xuyên di động ở nhiều địa phương, sử dụng thủ đoạn phạm tội rất tinh vi như: Lên mạng xã hội để tìm hiểu việc chế tạo súng, sau đó mua vật tư, lôi kéo đối tượng có bằng kỹ sư cơ khí để thiết kế các bộ phận của súng và dùng các máy móc hiện đại để chế tạo các bộ phận của vũ khí rồi lắp ráp thành khẩu súng.
Sau đó, các đối tượng rao bán vũ khí trên các hội, nhóm kín của Zalo, Facebook, khi có đối tượng hỏi mua các đối tượng tháo các bộ phận của khẩu súng chia thành các gói nhỏ, thông qua các Công ty chuyển phát nhanh "ship COD" (giao hàng - nhận tiền) để chuyển đến các đối tượng mua súng. Các đối tượng sau khi nhận được các gói chứa bộ phận của súng sẽ lắp ráp thành khẩu súng hoàn chỉnh theo video hướng dẫn mà đối tượng bán súng gửi, sau đó cất giấu ở vị trí kín đáo.
Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chế tạo được trên 30 khẩu súng các loại, bán cho hàng chục đối tượng trong cả nước thu lời trên 100 triệu đồng. Đối với các đối tượng mua súng khai nhận mua vũ khí để sử dụng khi xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau hoặc đem bán kiếm lời cho đối tượng khác. Nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, là đối tượng cộm cán của các địa phương...
Trong số 17 đối tượng, ngoài Lâm Văn Nam cầm đầu đường dây thì Nguyễn Văn Quang (bạn thân của Nam) và Lưu Trọng Nghĩa đều là kỹ sư cơ khí; Hà Công Nhật là công nhân tay nghề cao ở xưởng cơ khí; còn Trương Đức Hoàng (SN 1988), trú Tổ 5, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên có nhiệm vụ bán súng, linh kiện cho Nam. Các đối tượng mua súng gồm: Đinh Nguyên Tài (1986), ở Nha Trang, Khánh Hoà; Phan Văn Danh (2003) ở Hà Tĩnh; Quan Quốc Dương (1999) ở Vũng Tàu; Trương Minh Tú (1982), ở Bình Dương, từng có tiền án về tội trộm cắp tài sản; Đỗ Nam Tiến (1974) ở Hà Nội; Đoàn Minh Kiên (SN 2002) ở Cần Thơ; Tần Văn Thắng (SN 1980) ở An Giang.
Trung tá Trương Phương Hoa, Đội trưởng Phòng ANĐT cho biết, vụ án được điều tra khám phá trong nhiều tháng trời, các đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau nên cũng ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển, giám định vũ khí và di lý các đối tượng. Với quyết tâm đấu tranh với tội phạm đến cùng, hiện đơn vị đang tiếp tục điều tra, truy bắt các đối tượng có liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật...