Tình hình quan hệ giữa Nga với các nước Trung Á còn lại cũng tăng mạnh. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga với Kyrgystan tăng 20%, với Tajikistan tăng 22% và với Turkmenistan tăng 45%. Những con số này có ý nghĩa hết sức to lớn trong bối cảnh Nga bị Mỹ và phương Tây cấm vận toàn diện.
Ngoài ra, Trung Á còn là một trung tâm tài chính. Năm 2022, 770 triệu USD đã được chuyển từ Nga sang Kazakhstan và 17 tỷ USD đến Uzbekistan.
Nga cung cấp hỗ trợ cho các nước Trung Á trong việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững. Trong giai đoạn từ 2008 đến 2019, kim ngạch lên tới hơn 6 tỷ USD (hơn 4,2 tỷ USD trên cơ sở song phương, khoảng 2 tỷ USD thông qua các tổ chức quốc tế, chủ yếu là Liên hợp quốc).
Quan hệ chính trị, kinh tế, nhân đạo, hợp tác an ninh giữa Nga và các nước Trung Á được hình thành trong lịch sử trên cơ sở là thành viên của Liên Xô cũ và nay là Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG). Điều đó giải thích tại sao, bất chấp áp lực từ Mỹ và phương Tây, lãnh đạo của 5 quốc gia Trung Á vẫn tham gia lễ duyệt binh hàng năm trên Quảng trường Đỏ ở Moscow vào Ngày Chiến thắng Phát xít 9/5.
Quan hệ của Nga với các nước trong khu vực Trung Á được bảo đảm bằng các khung pháp lý vững chắc. Hơn 900 hiệp ước song phương và hiệp định liên chính phủ, 70% trong số đó liên quan đến hợp tác kinh tế, đã được ký kết.
Hiện nay, Nga là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Á với tổng số vốn lên tới 20 tỷ USD, trong đó 47% được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, 22% vào luyện kim màu, 15% vào viễn thông.
Kazakhstan và Kyrgyzstan, cùng với Nga, Belarus và Armenia, là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Tajikistan và Uzbekistan đang xem xét khả năng gia nhập liên minh này. Về giáo dục, đào tạo, hiện có 172 nghìn sinh viên từ các nước trong khu vực theo học tại các trường đại học Nga, trong đó có 59.000 sinh viên được hưởng học bổng từ ngân sách của Nga.
Bản đồ khu vực Trung Á.
Chủ đề quan trọng thứ hai được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh tại New York là quan hệ Trung Á với Trung Quốc. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, chiến lược nhằm tăng cường quan hệ với các nước Trung Á đã được Quốc hội Mỹ thảo luận từ tháng 10/2022, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine và mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Quan hệ với Trung Quốc là sự lựa chọn chiến lược của các nước Trung Á. Quan hệ hợp tác này không chỉ nằm trong khuôn khổ SCO được hình thành từ năm 2001 mà tất cả 5 nước Trung Á là thành viên, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.
Kim ngạch thương mại của các nước khu vực Trung Á với Trung Quốc năm 2022 lên tới 70,2 tỷ USD, trong đó 86% là với Kazakhstan, 7% với Uzbekistan và phần còn lại với ba quốc gia khác. Hội nghị thượng đỉnh “Trung Quốc - Trung Á” được tổ chức vào tháng 5/2023 tại Tây An, Trung Quốc góp phần tăng cường thương mại xuyên biên giới và viện trợ không hoàn lại 3,7 tỷ USD cho sự phát triển của khu vực. Nhiều thỏa thuận đầu tư được ký kết riêng với từng nước. So sánh với sự giúp đỡ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho các nước Trung Á, sự giúp đỡ của Bắc Kinh lớn hơn rất nhiều.
Mặt khác, Trung Quốc tuyên bố không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khu vực, không áp đặt ý chí của mình, không yêu cầu họ chọn phe và không tìm cách thiết lập phạm vi ảnh hưởng. Hơn nữa, Trung Quốc là nước có nền kinh tế phát triển nhanh, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau thời gian ngắn, lại nằm sát các nước Trung Á, là điều kiện hết sức thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và an ninh.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, Mỹ tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở Trung Á, nhưng không đưa ra các kế hoạch thay thế. Đến nay, viện trợ của Mỹ cho các nước Trung Á vẫn ở mức thấp và không có dự án quy mô lớn nào mà Mỹ muốn triển khai ở khu vực.
Có thể nói, ý tưởng của Mỹ đưa Trung Á ra khỏi quỹ đạo của Nga và Trung Quốc là rất khó nếu không muốn nói là không thể thực hiện được trong tình hình các nước Trung Á có lợi ích to lớn và quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc mà Mỹ không thể thay thế được.