Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 10-11/9. Sau 28 năm bình thường hóa quan hệ và 10 năm xác lập quan hệ đối tác toàn diện, Việt Nam và Mỹ đã chính thức nâng tầm mối quan hệ này thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Hai bên cũng mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế để nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư và thương mại giữa 2 nước, tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân…
Hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ
Nhận định về tiềm năng hợp tác công nghiệp và thương mại sau khi hai nước nâng tầm mối quan hệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đặc điểm rất quan trọng cần nhắc đến trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đó là tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế.
Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử…
Ở chiều ngược lại, Mỹ được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… để đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bên cạnh những thuận lợi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý Mỹ là một thị trường siêu cạnh tranh, nên đòi hỏi DN trong nước phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hoá, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao.
Đặc biệt, Mỹ thường xuyên ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các DN trong nước. Các rào cản phi thuế có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các DN Việt Nam thông qua các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam.
“Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện, sẽ tạo cơ hội để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của DN Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Cơ hội có mặt trong chuỗi giá trị toàn cầu
Sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị-kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn, tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các DN sản xuất và xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, Mỹ là thị trường nhập khẩu cực lớn với quy mô 3.277 tỷ USD (năm 2022). Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường siêu cạnh tranh, đòi hỏi DN phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hoá đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao.
“Thị trường Mỹ có sự hiện diện của các nhà nhà sản xuất và nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới, điều này đòi hỏi các DN Việt Nam luôn phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ.
Để cạnh tranh hiệu quả, các DN Việt Nam không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm hay giảm giá thành sản xuất, còn phải đảm bảo quản lý và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới.
Đây là yêu cầu, đòi hỏi mới nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.
“Các DN Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi khi xuất khẩu sang Mỹ. DN cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, cần đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Bên cạnh đó, các DN cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Mỹ.
Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, DN cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng, tích cực tìm kiếm các thị trường ngách để giảm thiểu rủi ro.