Qua đó, góp phần giúp học sinh biết bảo vệ quyền của mình và bảo vệ quyền của người khác khi có sự vi phạm. Đây phương thức hiệu quả, góp phần tăng cường thực hành quyền ở trường học, ngăn ngừa bạo lực học đường và các tình trạng phân biệt đối xử, xâm hại nhân phẩm con người.
Tích hợp hiệu quả vào các hoạt động giáo dục
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài báo cáo tại hội thảo. |
Báo cáo tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài - cho hay, Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Có thể thấy, nội dung quyền con người, quyền trẻ em có tầm quan trọng đặc biệt khi được tích hợp một cách hiệu quả vào các môn học và hoạt động giáo dục. Qua đó, nhằm thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học nói riêng.
Ông Thái Văn Tài trao đổi, có thể xây dựng kế hoạch tổ chức nội dung giáo dục quyền con người trong Kế hoạch giáo dục nhà trường với các hình thức chủ động, linh hoạt.
Theo đó, giáo viên có thể tổ chức theo giờ học riêng, với từng chủ đề hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt, hội thi… Việc xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt của bài học, mạch kiến thức. Nội dung giáo dục về quyền con người, quyền trẻ em được thực hiện theo một trong ba mức độ: toàn phần, bộ phận, liên hệ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất phương pháp dạy học tích hợp, lồng ghép nội dung quyền con người; yêu cầu sư phạm đối với giáo viên và xây dựng, biên soạn nội dung quyền con người vào sách giáo khoa…