Bộ GD&ĐT vừa ban hành Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học (Danh mục).
Đây là cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục đại học mở mã ngành đào tạo.
Học viện Phụ nữ Việt Nam - đơn vị đầu tiên và duy nhất đào tạo bậc cử nhân ngành Giới và Phát triển. Đây là một trong số những ngành nằm trong Danh mục trên. TS Trương Thúy Hằng - Phụ trách Bộ môn, Khoa Giới phát triển cho biết, ngành này được đào tạo ở nhiều nơi, nhất là các nước phát triển. Giới và Phát triển chính thức được đào tạo trình độ giáo dục đại học tại Việt Nam từ năm 2015.
Theo TS Trương Thúy Hằng, Giới và Phát triển là ngành học còn khá mới tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngày 7/6/2024 Bộ GD&ĐT ban hành Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học, trong đó có ngành Giới và Phát triển. Qua đó thể hiện rõ tầm quan trọng, giá trị và khẳng định sự kỳ vọng của Bộ với sự phát triển của ngành.
“Trong tương lai không xa, Giới và Phát triển sẽ có mã ngành chính thức tại Việt Nam, phù hợp sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và thực tiễn xã hội”, TS Trương Thúy Hằng tin tưởng và bày tỏ, với sự trân trọng, khích lệ này, việc đào tạo về Giới và Phát triển ngày càng được quan tâm, đầu tư về chất và lượng, đóng góp hữu ích, thiết thực cho xã hội.
TS Trương Thúy Hằng phân tích, bình đẳng giới là vấn đề được quan tâm sâu sắc trên bình diện quốc gia và quốc tế. Những năm qua, Việt Nam đã chú trọng song hành trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu, thông qua việc ký kết tham gia hầu hết công ước quốc tế.
Việt Nam đã thể hiện qua những hành động thiết thực như: Luật hóa các văn bản chính sách, luật pháp. Đơn cử: Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới 2006, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới các giai đoạn 2011 - 2020, 2021 - 2030 và nhiều văn bản chính sách luật pháp khác liên quan…
Lĩnh vực sức khỏe có nhiều mã ngành nằm trong Danh mục. Ảnh minh họa: TG |
Cũng nằm trong Danh mục của Bộ GD&ĐT có các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; trong đó có nhiều chuyên ngành thuộc nhóm có mã ngành riêng biệt như: Công nghệ dược phẩm; Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm; Vật lý trị liệu; Hoạt động trị liệu; Ngôn ngữ trị liệu...
Trong số danh mục các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, nhiều mã ngành Trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) chưa có nên chưa thể tuyển sinh đào tạo. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng cho biết, Danh mục là cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục đại học mở mã ngành đào tạo. Việc có thêm một số mã ngành riêng biệt với các ngành về trị liệu sẽ giúp sinh viên Việt Nam thuận lợi hơn khi muốn học sau đại học ở một số nước. Nhà trường sẽ nghiên cứu, tính toán để có phương án mở ngành thuộc Danh mục thí điểm.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Danh mục được xây dựng theo các nguyên tắc phân loại, sắp xếp chương trình và ngành đào tạo trong danh mục (danh mục ngành chính thức và thí điểm). Việc cập nhật Danh mục sẽ được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí về bổ sung, chỉnh sửa, loại bỏ. Mỗi danh mục được rà soát, điều chỉnh, cập nhật để đảm bảo thích ứng với thay đổi về ngành nghề trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học tự chủ phát triển chương trình đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội nhưng vẫn đảm bảo sự điều tiết vĩ mô và quản lý bởi Nhà nước.
Cách tiếp cận trên phù hợp với thông lệ quản lý ngành đào tạo của các nước trên thế giới. Đồng thời, giúp cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có thể đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng nhu cầu nhân lực của các nước trong khu vực hay quốc tế nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao để phát triển nền kinh tế - xã hội cho Việt Nam.
Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành quyết định về Danh mục mã ngành đào tạo thí điểm các trình độ đại học, TS Tô Vĩnh Sơn – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bạc Liêu khẳng định, đây là cơ sở để các trường nghiên cứu làm thủ tục mở mã ngành đào tạo một số ngành trong Danh mục.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu để mở một số ngành đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của địa phương và nguyện vọng của người dân. Với những ngành hiện có, nhà trường tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng”, TS Tô Vĩnh Sơn nhấn mạnh.
Đặt vấn đề về tính khả thi của Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học, ông Lương Minh Tân – Trưởng phòng, phụ trách phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho hay, việc Bộ GD&ĐT đưa ra các ngành đào tạo thí điểm đều dựa trên đề xuất của cơ sở đào tạo. Vì thế, khi đề xuất nghĩa là các trường sẽ chủ động về nguồn lực, vật lực; trong đó có yếu tố giảng viên, cơ sở vật chất.
“Chẳng hạn, nếu muốn mở ngành Nghệ thuật trình diễn, cơ sở phải xây dựng đề án, lập hồ sơ theo quy định, sau đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu đủ điều kiện theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ GD&ĐT sẽ được mở ngành”, ông Lương Minh Tân trao đổi.
Theo đó, ngoài điều kiện chung, cơ sở đào tạo phải đáp ứng tiêu chí về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và ứng với mỗi trình độ đào tạo sẽ có những quy định về điều kiện mở ngành. “Trong bối cảnh hiện nay, cần có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nhân tài, những người có tài năng vào làm giảng viên trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”, ông Lương Minh Tân đề xuất.
Tại Hội thảo khoa học “Quan điểm, chính sách và thực trạng đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài ở Việt Nam hiện nay”, GS.TS Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi với nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ chế thí điểm.
Theo đó, có thể thuê/bổ nhiệm/giao nhiệm vụ lãnh đạo quản lý cấp trường với chuyên gia trình độ cao, uy tín, giàu kinh nghiệm. Bên cạnh tăng cường mời cán bộ có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm và uy tín từ các cơ sở thực hành kiêm nhiệm giảng dạy, làm lãnh đạo quản lý, các trường đại học cần có chính sách ưu tiên về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng với giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học trẻ để tạo nguồn.
Ngày 7/6/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định về Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ đại học của giáo dục đại học. Căn cứ đề xuất của các cơ sở đào tạo và thực tiễn đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực đối với các ngành, Bộ GD&ĐT định kỳ tổ chức rà soát, cập nhật Danh mục theo quy định tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022.