Trong hành trình 50 năm xây dựng, phát triển, giáo dục phổ thông TP Hồ Chí Minh không ngừng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước hướng tới nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. Qua đó, Thành phố từng bước khẳng định vai trò trung tâm của cả nước và vươn tầm khu vực, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về những thành tích ấn tượng của TP Hồ Chí Minh trong đổi mới giáo dục phổ thông cũng như các định hướng phát triển trong thời gian tới.
Bài 1: Phát triển mạng lưới giáo dục
Từ những ngày đầu sau giải phóng cho đến nay, giáo dục của TP Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn khó khăn để đạt những thành quả to lớn. 50 năm xây dựng và phát triển, quy mô giáo dục phổ thông của Thành phố không ngừng phát triển, hệ thống trường lớp được phân bổ đều khắp từ nội thành đến ngoại thành. Hàng ngàn cơ sở giáo dục ở nhiều loại hình đang hoạt động đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.
Niềm vui từ những ngôi trường mới
Cùng niềm vui chung của những ngày tháng Tư lịch sử của dân tộc, cô và trò Trường Mầm non 12 (Quận 4, TP Hồ Chí Minh) có thêm niềm vui riêng khi được học ở một ngôi trường mới, khang trang, đầy đủ trang thiết bị dạy và học. Đây là một trong những công trình trường học được xây dựng và khánh thành chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống đất nước.
Trường Mầm non 12 có quy mô 1 trệt, 3 lầu, tổng diện tích sàn sử dụng là 1.663,2 m2, gồm 10 phòng học và các phòng chức năng với tổng mức đầu tư hơn 36,6 tỷ đồng. Cô Huỳnh Lê Diễm Kiều, Hiệu trưởng Trường Mầm non 12 chia sẻ, trước đây trường có 1 cơ sở chính và 6 điểm lẻ. Cơ sở vật chất các điểm lẻ xuống cấp, trẻ không được học tập trung. Việc giảng dạy của giáo viên và hiệu quả học tập của học sinh bị ảnh hưởng. Vì vậy, khi trường được khánh thành và đưa vào sử dụng, tập thể nhà trường và phụ huynh đều vui mừng. Trẻ được học trong ngôi trường mới khang trang, hiện đại. Từ đó, các con có môi trường để phát triển toàn diện. Càng ý nghĩa hơn khi công trình được đưa vào sử dụng đúng dịp cả nước đang phấn khởi hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trường Trung học cơ sở Bình Trị Đông B (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) được khánh thành và đưa vào sử dụng đầu năm học 2024 - 2025 với tổng diện tích trên 13.000 m2, 36 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng. Hơn 20 năm từ khi tách lập quận, phường Bình Trị Đông B mới có trường trung học cơ sở đầu tiên trên địa bàn. Thầy Hồ Thanh Danh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngôi trường là niềm mong mỏi của người dân trên địa bàn. Hơn 20 năm nay, học sinh tại phường phải học “nhờ” các trường ở phường lân cận như Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (An Lạc, Bình Trị Đông A), thậm chí phải sang Quận 6. Tuy nhiên, các trường này cũng trong tình trạng quá tải. Ngôi trường khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đi vào hoạt động không chỉ là niềm vui của tập thể nhà trường mà còn là niềm vui chung của học sinh và phụ huynh. Trong năm đầu tiên, trường có 16 lớp 6 với sĩ số khoảng 42 em/lớp, 100% lớp học 2 buổi/ngày. Bên cạnh chương trình chính khóa, trường tổ chức thêm các chương trình giáo dục kỹ năng sống, Tiếng Anh bản ngữ… để phát triển năng lực học sinh. Trường được định hướng xây dựng chuẩn quốc gia và tiên tiến, hội nhập quốc tế giai đoạn 2026 - 2030. Năm học này, trường tuyển 8 lớp tăng cường Tiếng Anh. Dự kiến năm học tới, đơn vị sẽ tổ chức thêm các lớp Tiếng Anh tích hợp đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Theo thầy Kiều Hữu Hiền, Giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Bình Trị Đông B, cả thầy và trò nhà trường đều rất vui mừng. Đặc biệt, việc có đầy đủ điều kiện về trang thiết bị dạy học sẽ thuận lợi cho giáo viên trong việc ứng dụng các phương pháp dạy học mới; qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Tại huyện Hóc Môn, Trường Tiểu học Lê Văn Phiên (xã Tân Thới Nhì) cũng được đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2024 - 2025. Cùng với 30 phòng học và các phòng chức năng, trường còn có hồ bơi, sân bóng mini, khu thể dục thể thao, nhà ăn… phục vụ nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh. Trường có 15 lớp với 525 học sinh, sĩ số bình quân là 35 học sinh/lớp. Trong năm đầu tiên đưa vào hoạt động, trường chỉ tổ chức 4 lớp 1 với khoảng 130 em. Các năm tiếp theo, trường sẽ tổ chức thêm các khối lớp còn lại đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong xã cũng như khu vực lân cận. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn cho biết, bên cạnh việc xây trường mới, huyện cũng dành kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các phòng học, mua sắm bổ sung trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học. Huyện đảm bảo 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, phần lớn các trường có sĩ số dưới 40 học sinh/lớp, nhiều trường có sĩ số 35 học sinh/lớp để thực hiện tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đáp ứng nhu cầu học tập
Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giáo dục TP Hồ Chí Minh vừa phải tiến hành cải tạo nền giáo dục cũ, vừa xây dựng nền giáo dục mới để phục vụ kịp thời nhu cầu học tập của người dân. Từ sau đổi mới giáo dục, Thành phố đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng giáo dục. Ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, những năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn dành từ 20 - 30% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực này. Từ đó, hệ thống trường lớp được quy hoạch, phân bố đều khắp từ nội thành đến ngoại thành, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Ngai - người gắn bó với ngành Giáo dục Thành phố cả giai đoạn trước và sau 1975 cho biết, trong dòng chảy 50 năm, thầy đã chứng kiến nhiều đổi thay, phát triển không ngừng của ngành Giáo dục Thành phố với nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, trường lớp ngày càng khang trang, hiện đại. Bên cạnh trường công lập còn có hệ thống trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học sinh và phụ huynh. Trong xu thế chung phát triển của xã hội, ngành Giáo dục Thành phố đã quan tâm đến giáo dục ngoại thành như: đầu tư xây dựng trường mới, trang thiết bị cũng như kéo giảm khoảng cách về điều kiện học tập, chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành.
Năm 1999 là một trong những dấu mốc quan trọng của ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh khi xác định đó là Năm giáo dục; trong đó tập trung xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp. Giai đoạn đó, Thành phố đối mặt với bài toán nan giải về tình trạng thiếu chỗ học trầm trọng, do tốc độ gia tăng dân số cơ học dẫn đến số lượng học sinh ở các cấp học tăng cao. Trong khi đó, việc xây dựng trường học diễn ra chậm và gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành có liên quan và từng quận, huyện rà soát tình hình thực tế, dự báo về dân cư để lập quy hoạch mạng lưới trường lớp trong dài hạn. Trên cơ sở đó, Sở tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định 02/2003/QĐ-UB ngày 3/1/2003 (Quyết định 02) về quy hoạch mạng lưới trường lớp ở các quận, huyện. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc quy hoạch xây dựng mạng lưới trường lớp quy mô, thay vì làm nhỏ lẻ từng địa phương.
Từ đó đến nay, hằng năm, Thành phố đều xây dựng trường, lớp mới, đặc biệt là ở các quận, huyện mới tách lập như Bình Tân, Quận 12, Gò Vấp...; góp phần giải quyết nhu cầu chỗ học và từng bước chuẩn hóa trường lớp. Quyết sách mang tính đột phá từ Quyết định 02 đã tạo đòn bẩy cho các quận, huyện xây dựng những chương trình hành động, đồ án quy hoạch nhằm tạo thêm quỹ đất cho giáo dục. Hằng năm, ngân sách Thành phố ưu tiên bố trí từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng trường lớp...
Khái quát về những thành tựu giáo dục của TP Hồ Chí Minh trong 50 năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Ngô Minh Oanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và luôn đi đầu trong đổi mới. Ở giai đoạn 1976 - 1986, giáo dục Thành phố vừa tiến hành cải tạo nền giáo dục cũ, vừa xây dựng nền giáo dục mới để phục vụ kịp thời nhu cầu học tập của học sinh; đồng thời, phát triển nhanh mạng lưới trường lớp, công tác xóa mù chữ hoàn thành sớm hơn dự kiến. Từ sau đổi mới, giáo dục TP Hồ Chí Minh đã có những phát triển vượt bậc, quy mô và chất lượng giáo dục không ngừng phát triển, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, đổi mới công tác quản lý, nâng chất lượng đội ngũ, thực hiện xã hội hóa giáo dục. Thành phố sớm đưa những nội dung giáo dục tiên tiến theo chuẩn quốc tế vào dạy học tại các trường tiên tiến cùng với hệ thống các trường quốc tế, các trường có yếu tố nước ngoài. Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh luôn có những nỗ lực vượt trội về chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn, nhất là phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới, khả năng sáng tạo, tự học của học sinh.
Bài cuối: Hướng đến xã hội học tập