Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT nhận định, quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng ông Nguyễn Trường Hải của một số trường có vấn đề ở khâu đầu tiên là thẩm định hồ sơ tuyển dụng. Theo quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, đơn vị sử dụng viên chức có trách nhiệm hướng dẫn viên chức kê khai, kiểm tra, xác minh các thông tin do viên chức tự kê khai, đối chiếu với hồ sơ tuyển dụng và Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hồ sơ này là hồ sơ gốc của viên chức.
“Theo lẽ thường, đơn vị tuyển dụng phải có văn bản gửi về đơn vị đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ để xác minh khi thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm. Đơn vị đào tạo có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đến đơn vị tuyển dụng, bổ nhiệm.
Hiện nay, việc quản lý hồ sơ lý lịch, văn bằng chứng chỉ bằng phần mềm nên việc xác minh càng dễ dàng hơn”, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ khẳng định.
Chuyên gia đề nghị tổng rà soát bằng cấp các viên chức, công chức nhà nước.
Theo luật sư Trần Văn Bách (Hà Nội), trường hợp của ông Nguyễn Trường Hải được xác định sử dụng bằng giả, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, điều 341 Bộ luật Hình sự quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
"Đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội. Khi một người không có trình độ chuyên môn, sử dụng bằng giả để đứng lớp dạy học sẽ mang lại cho sinh viên kiến thức rởm. Do vậy cần xử lý nghiêm trường hợp này để làm gương cho người khác" - ông Hậu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó cần thiết tiếp tục mở rộng điều tra, truy tìm kẻ cầm đầu đường dây làm bằng giả. Hiện nay trên mạng việc bán văn bằng, chứng chỉ giả đang hoạt động rất rầm rộ.
Cơ quan công an cũng cần điều tra ông Nguyễn Trường Hải liên quan các vụ tổ chức, mua bán văn bằng hay không. Trường hợp ông này cũng có thể xem xét truy tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các trường. Đồng thời phải truy thu lại toàn bộ số tiền lương, thù lao ông này nhận được trong quá trình giảng dạy, làm việc tại các trường do dùng thủ đoạn sử dụng văn bằng giả để lừa đảo.
GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định, việc xác minh văn bằng, chứng chỉ là trách nhiệm của cơ quan cấp bằng và cơ quan sử dụng bằng, Bộ GD&ĐT không thực hiện việc này.
Các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng, chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu, xã hội giám sát. Điều này được Bộ GD&ĐT quy định trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ.
"Thời gian tới Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục", ông Chương cho hay.