Tiếp tục đề xuất giảm thuế, người tiêu dùng được lợi gì?

18/10/2023, 16:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm 2024, một số loại thuế có thể được điều chỉnh theo chiều hướng giảm. Đáng kể nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm thuế giá trị gia tăng.

Đề xuất giảm 50% Thuế bảo vệ môi trường

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Bộ đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức giảm thuế như quy định tại Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol giảm 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 600 đồng/lít.

Tiếp tục đề xuất giảm thuế, người tiêu dùng được lợi gì? - 1

 Thuế bảo vệ môi trường được giảm 50% (hình minh họa)

Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị, chính sách này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại thực hiện theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nghĩa là thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.

Trước đó, tại Nghị quyết số 164, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10/2023.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương 2023 và với mức thuế bảo vệ môi trường như đề xuất thì số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 38.929 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) giảm khoảng 42.822 tỷ đồng.

Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù tác động làm giảm thu ngân sách, việc ban hành các chính sách giảm mức thuế BTMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn lại mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là cần thiết, nếu kéo dài chính sách sẽ “được nhiều hơn là mất”. Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế BVMT với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào.

Giảm 2% thuế VAT: Lợi ích kép

Bên cạnh đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% đã được thực hiện ổn định trong năm 2022 và năm 2023. Do vậy, tại công văn số 10830/BTC-CST, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm thuế GTGT như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15, cụ thể:

Giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tiếp tục đề xuất giảm thuế, người tiêu dùng được lợi gì? - 2

6 tháng đầu năm 2024, thuế GTGT giảm 2% xuống còn 8%. 

Thời gian áp dụng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT sau thời điểm 30/6/2024 nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Theo đó, việc giảm thuế GTGT được cho là mang lại lợi ích kép, kéo giá thành sản phẩm giảm, giúp người tiêu dùng được mua hàng với giá rẻ hơn, qua đó giúp mang lại doanh thu tốt hơn cho doanh nghiệp.

Liên quan đến thông tin giảm 2% thuế GTGT, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, hầu hết người tiêu dùng chưa có thói quen kiểm tra hóa đơn và đòi hỏi bên bán cung cấp hóa đơn mỗi khi mua hàng hóa/dịch vụ, vì vậy đứng ở góc độ người tiêu dùng, được giảm 2% thuế GTGT không có tác động đáng kể. Tuy nhiên, về tổng thể, việc giảm thuế GTGT giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp nên cũng mang giá trị tích cực trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục đề xuất giảm thuế, người tiêu dùng được lợi gì?