Tiết học kết nối kéo gần khoảng cách vùng miền

29/03/2024, 06:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực hiện Chương trình GDPT mới trở nên hiệu quả hơn với các tiết học kết nối được tổ chức thường xuyên, đa dạng, phong phú.

Cô giáo Vy Thị Nhung có gần 30 năm công tác ở vùng cao Nghệ An và hiện là giáo viên môn Giáo dục công dân tại Trường THCS Châu Thôn, huyện Quế Phong. Ở tuổi ngoài 50, với nhiều giáo viên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học là thử thách khi không có sự nhanh nhẹn, năng động như người trẻ. Nhưng cô Vy Thị Nhung lại là giáo viên đầu tiên của nhà trường tham gia tiết dạy học kết nối giữa học sinh của trường với Trường THCS Hưng Bình và Trường THCS Nghi Liên (thành phố Vinh).

Đó là tiết dạy về Bảo tồn di sản văn hóa của chương trình Giáo dục công dân lớp 7. Cô Nhung cùng với 2 giáo viên là Trà Giang (Trường THCS Nghi Liên) và Thúy Hồng (Trường THCS Hưng Bình) liên lạc, kết nối, soạn giáo án.

Với chủ đề về di sản văn hóa, cô Nhung tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, sử dụng công nghệ để thiết kế bài giảng, dựng video liên hệ cho bài học. Cô đã mạnh dạn đưa vào tiết dạy Lễ hội đền Chín Gian – lễ hội lớn đầu xuân hằng năm trên địa bàn huyện Quế Phong, về các làn điệu dân ca ví giặm Nghệ - Tĩnh hay nét đẹp văn hóa ở vùng đất khác trong tỉnh.

Kết quả hơn cả kỳ vọng của giáo viên, học sinh 3 trường học đã tương tác sôi nổi, tham gia hiệu quả các hoạt động mà giáo viên đưa ra. Điều ý nghĩa khác là học sinh ở Châu Thôn mạnh dạn, tự tin hơn, từng bước “xóa nhòa” được khoảng cách với các bạn thành phố.

Chia sẻ sau tiết dạy, cô Vy Thị Nhung cho rằng, Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải thay đổi nhiều trong cách soạn giáo án, giảng bài và truyền thụ kiến thức. Trước đây, giáo viên thường chú trọng vào truyền thụ kiến thức bài học thì bây giờ chuyển trọng tâm về học sinh. Giáo viên là người tổ chức hoạt động, phân công nhiệm vụ để học trò tham gia, rút ra kết luận, sau đó tổng hợp và bổ sung mở rộng vấn đề cho các em.

“Nếu chỉ gói gọn phạm vi trong trường, trong huyện, với nhóm học sinh quen thuộc thì không thể phát triển được. Các tiết học kết nối như thế này là dịp sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, giúp chúng tôi triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới”, cô Vy Thị Nhung chia sẻ.

Ông Lê Đình Tam - cán bộ Phòng GD&ĐT Quế Phong cho biết: Bên cạnh các tiết học kết nối, vừa qua phòng cùng đại diện các nhà trường trên địa bàn xuống thành phố Vinh tham quan, học hỏi và bàn giải pháp để nâng cao chất lượng chuyên môn cho trường vùng cao.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối với nhiều trường học khác để có thêm tiết học ở các cấp học. Đây cũng là mô hình thiết thực, ý nghĩa để giáo viên các vùng miền giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Cùng đó giúp học sinh thụ hưởng tối đa giá trị ưu việt mà chương trình mới đem lại.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tiet-hoc-ket-noi-keo-gan-khoang-cach-vung-mien-post677065.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tiet-hoc-ket-noi-keo-gan-khoang-cach-vung-mien-post677065.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiết học kết nối kéo gần khoảng cách vùng miền