Năm 2017, khi Gobronidze là giáo sư thỉnh giảng trong một chương trình trao đổi tại một trường đại học ở Ba Lan, một sinh viên giới thiệu với ông 2 “hacker”: Lucasz Kowalczyk và Denis Tatina cùng công trình nghiên cứu cỗ máy tìm kiếm bằng khuôn mặt của họ.
Gobronidze cho biết, 2 hacker đồng ý trình bày với ông về sáng tạo của họ. “Họ giải thích cách PimEyes sử dụng công nghệ lưới (neural net technology) để lập bản đồ các đặc điểm của khuôn mặt và so sánh khuôn mặt đó với các khuôn mặt có số đo tương tự rồi dùng phần mềm bắt chước để tìm ra những khuôn mặt giống nhất.
Nghe họ giải thích, tôi cảm thấy mình giống như một người từ thời kỳ đồ đá đang nghe truyện khoa học viễn tưởng” - Gobronidze nói. Ông giữ liên lạc với 2 hacker và thấy PimEyes ngày càng nhận được nhiều sự chú ý trên các phương tiện truyền thông, chủ yếu là về sự mới lạ.
Đến năm 2020, PimEyes tuyên bố có chủ sở hữu mới giấu tên. Trụ sở công ty cũng được chuyển từ Ba Lan đến Seychelles, một thiên đường né thuế nổi tiếng của châu Phi. Gobronidze cho biết, năm ngoái khi nghe thông tin chủ mới của trang web muốn bán nó, ông nhanh chóng gom tiền để mua.
Tháng 12/2020 Gobronidze thành lập công ty, EMEARobotics để có tư cách pháp nhân mua lại PimEyes và đăng ký ở Dubai, tận dụng mức thuế thấp của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Văn phòng của PimEyes được thuê trong một tòa tháp ở trung tâm thủ đô Tbilisi hiện vẫn chưa cải tạo xong. Gobronidze cho biết, công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ được sử dụng để kiểm soát mọi người nếu chính phủ và các công ty lớn giành được độc quyền sử dụng nó.
Cỗ máy kiếm tiền
Vài tháng trước, Cher Scarlett, một nữ kỹ sư máy tính, lần đầu tiên dùng thử PimEyes và nhìn thấy một chương của cuộc đời mà chị đã cố gắng rất nhiều để quên nay lại xuất hiện.
Đó là năm 2005, khi Scarlett 19 tuổi, bị lôi cuốn bởi kỹ nghệ sản xuất phim khiêu dâm, đã đến New York để tham gia một buổi đóng thử. Nay PimEyes khai quật vết thương cũ của chị với các liên kết đến nơi những bức ảnh khiêu dâm được tìm thấy.
Chúng được đưa vào giữa những bức chân dung gần đây củaScarlett, một nhà hoạt động vì quyền người lao động và được truyền thông đưa tin trong cuộc đấu tranh mà chị là lãnh đạo tại hãng Apple.
Lo lắng về cách mọi người sẽ phản ứng với những hình ảnh xấu xí này, Scarlett ngay lập tức bắt đầu tìm cách xóa chúng. Nhấp vào ảnh cần xoá, một menu hiện lên cung cấp liên kết đến hình ảnh, liên kết đến trang web chứa nó và một tùy chọn để “loại trừ khỏi kết quả công khai” trên PimEyes.
Nhưng Scarlett phát hiện ra, “loại trừ” (opt-out) chỉ dành cho những người đăng ký trả tiền cho “gói PROtect”, có giá từ 89,99 đến 299,99 USD/tháng (khoảng từ 2 - 9 triệu đồng). Scarlett không còn cách nào là phải đăng ký. “Về cơ bản đây là một kiểu tống tiền” – cô nói.
Sau khi sở hữu Pimeyes, Gobronidze không đồng ý với dịch vụ kiếm tiền như này. Ông chỉ vào một công cụ miễn phí để xóa kết quả khỏi chỉ mục PimEyes trên trang web và đưa ra một biên lai cho thấy PimEyes đã hoàn lại cho Scarlett gói 299,99 USD vào tháng trước.
Theo Gobronidze, PimEyes có hàng chục nghìn người đăng ký, với hầu hết từ Mỹ và châu Âu. Nó kiếm được phần lớn tiền từ những người đăng ký dịch vụ PROtect, gồm cả sự trợ giúp từ các nhân viên hỗ trợ của PimEyes khi cần gỡ ảnh xuống từ các trang bên ngoài.
PimEyes cũng cho quyền “chọn không tham gia” miễn phí, để mọi người xóa dữ liệu về bản thân họ khỏi trang web, bao gồm cả hình ảnh tìm kiếm về khuôn mặt của họ. Tuy nhiên,Gobronidze thừa nhận: Xoá những bức ảnh khiêu dâm là đặc biệt khó. Vì chúng phát triển trên mạng giống như con thú thần thoại Hydra, “cắt đầu này sẽ có hai đầu khác xuất hiện”.