Tín hiệu đáng mừng về văn hóa từ chức từ câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thể

Theo Kim Anh | 31/10/2022, 08:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ chức vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức của cán bộ, nói rộng ra, đó còn là văn hóa. Cán bộ xin từ chức không có nghĩa là kết thúc sự nghiệp nếu vẫn còn đủ tuổi công tác.

“Cán bộ nên coi từ chức không phải là việc nặng nề, nếu cảm thấy không hoàn thành được nhiệm vụ, hoặc thấy sức khỏe không đảm bảo, có lý do gia đình thì nên chủ động xin thôi nhiệm vụ để người khác có năng lực tốt hơn đảm đương. Cần coi đây là chuyện bình thường, thậm chí dư luận xã hội coi đây là tấm gương về lòng dũng cảm. Không nên quan niệm “đã lên không xuống, đã vào không ra”, như vậy là đi trái với chủ trương của Đảng. Công tác cán bộ là phải luôn có sự “thay máu”, đổi mới để công việc được suôn sẻ, thông suốt. Không phải cứ được bầu vào vị trí là mãi “giữ ghế” đến hết nhiệm kỳ”.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh điều này, đồng thời cho rằng, dư luận cũng nên thay đổi quan niệm “cán bộ bị kỷ luật hay có vấn đề thì mới rút lui” mà cần phải nhìn nhận vấn đề này là việc bình thường của quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy. Chuyện "có xuống có lên, có vào có ra" là lẽ đương nhiên của cuộc sống và nhất là trong công tác cán bộ.

Theo đó, những người từ chức trên sự thôi thúc của đạo đức, lòng tự trọng thì xã hội nên trân trọng, đánh giá cao bản thân họ. Bởi chính sự đánh giá cao, động viên của xã hội sẽ tạo nhiều động lực để cán bộ tiếp nhận công việc mới phù hợp hơn với sở trường, năng lực.

“Ông Nguyễn Văn Thể rời ghế Bộ trưởng GTGT là theo nguyện vọng cá nhân. Câu chuyện của ông Thể cần lan tỏa tới các bộ ngành, địa phương, đơn vị. Nếu người nào cảm thấy công việc áp lực quá lớn, phạm vi quá lớn không thể đảm đương nổi, ví dụ mình chỉ gánh được 50kg nhưng công việc áp lực phải gánh tới 100kg là quá sức thì nên chủ động xin thôi. Sự tự giác này để lại một tấm gương tốt đẹp cho xã hội. Không nên mãi giữ vị trí dù năng lực không đảm trách được, công việc không hoàn thành đến mức bị kỷ luật thì sẽ để lại ấn tượng rất xấu trong dư luận”- ông Lê Như Tiến cho biết.

Từ chức vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức, văn hóa

Đánh giá cao và tôn trọng quyết định từ chức của ông Nguyễn Văn Thể khi rời ghế tư lệnh ngành GTVT, PGS.TS Nguyễn Thị Báo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, từ chức vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức, là lòng tự tôn, tự trọng của người lãnh đạo quản lý, nói rộng ra, đó còn là văn hóa.

Một khi cán bộ lãnh đạo cảm thấy bản thân họ không còn đủ sức cáng đáng nhiệm vụ thì sẽ rút lui để nhường chỗ cho người có năng lực hơn hoàn thành công việc. Đó là những người có văn hóa, trách nhiệm với sự nghiệp chung, với quốc gia, dân tộc.

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thể: Tín hiệu đáng mừng về văn hóa từ chức - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thị Báo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đã được quy định rất rõ trong nhiều văn bản, đặc biệt là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05, hay Quy định về những điều đảng viên không được làm, 19 biểu hiện tiêu cực cần phải tránh… Theo đó, có thể hiểu, những người lãnh đạo quản lý có lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm thì khi thấy bản thân không có đủ năng lực, hoặc có biểu hiện vi phạm, làm chưa đúng, chưa đủ do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan thì nên xin từ chức. Kể cả trong 2 trường hợp sai phạm do năng lực kém, đấu đá nội bộ và cố tình vi phạm nhưng bản thân cán bộ tự nhận thức được và từ nhiệm, thì đó đều là việc đáng mừng, thể hiện lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp chung.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo, đối với cán bộ, hôm nay họ tốt, có năng lực, được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ, tuy nhiên trải qua thực tiễn, thời gian, công việc trở nên quá sức đối với họ, nếu ngồi mãi “ghế nóng” thì có khi khiến cả bộ máy bên dưới ì ạch, giậm chân tại chỗ, thậm chí gây hậu quả khôn lường. Vì thế việc tự nguyện rút lui để Đảng, Nhà nước bố trí người có năng lực tốt hơn đảm đương công việc là việc làm rất đáng trân trọng.

“Đây là văn hóa từ chức, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo quản lý với Tổ quốc, dân tộc, đặc biệt là lĩnh vực, ngành. Cán bộ từ chức không có nghĩa là kết thúc sự nghiệp nếu vẫn còn đủ tuổi công tác, mà là chuyển sang một công việc mới phù hợp hơn với năng lực, sở trường của họ” – bà Nguyễn Thị Báo đồng thời nhấn mạnh, cần tăng cường công tác phê bình và tự phê bình để cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận ra cái tốt, cái chưa tốt để rút kinh nghiệm, tự nguyện xin từ chức nếu thấy bản thân không còn xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm./.

Theo VOV
https://vov.vn/chinh-tri/cau-chuyen-cua-ong-nguyen-van-the-tin-hieu-dang-mung-ve-van-hoa-tu-chuc-post980310.vov
Copy Link
https://vov.vn/chinh-tri/cau-chuyen-cua-ong-nguyen-van-the-tin-hieu-dang-mung-ve-van-hoa-tu-chuc-post980310.vov
Bài liên quan
Gần 50% trường tại Mỹ thiếu giáo viên, 1/2 do từ chức
(GDTĐ) - Thống kê tại Mỹ cho thấy, có hơn 1/2 giáo viên nghỉ việc tại các trường học là do từ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín hiệu đáng mừng về văn hóa từ chức từ câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thể