Nhiều vụ đốt kinh Koran đã diễn ra ở 2 nước vào ngày 31/7. Cả Thụy Điển và Đan Mạch đều cho biết đang tìm cách để hạn chế một cách hợp pháp các hoạt động kiểu này, nhằm giảm căng thẳng.
Cuối tháng 7, cảnh sát Đan Mạch cho biết, nước này nhận thấy nguy cơ bị tấn công ngày càng cao do hệ quả của các vụ biểu tình đốt kinh Koran.
Ngày 1/8, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho rằng, tình hình đang trở nên "nguy hiểm, phức tạp" và "bị người ngoài lợi dụng".
"Có thể mục đích của những người lợi dụng vụ việc này là để ngăn Thụy Điển gia nhập NATO", ông Kristersson nói.
Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau cuộc xung đột ở Ukraine nhưng chưa thể gia nhập khi Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia NATO, phản đối.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ nỗ lực để đơn xin gia nhập của Thụy Điển được chấp thuận, nhưng cũng cảnh báo điều đó sẽ không xảy ra nếu các vụ đốt kinh Koran còn tiếp diễn ở quốc gia Bắc Âu.
Thủ tướng Thụy Điển cho rằng điều quan trọng lúc này là phải xoa dịu căng thẳng và kêu gọi người dân sử dụng quyền tự do ngôn luận có trách nhiệm và tôn trọng.
Theo Reuters, chính phủ Thụy Điển và Đan Mạch đang cân nhắc để có các thay đổi, cho phép cảnh sát ngăn việc đốt kinh Koran ở nơi công cộng nếu hành động đó gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.