Sở dĩ, triển lãm do Trường Đại học Nguyễn Trãi chủ trì thực hiện, bởi bộ sưu tập của đơn vị này hội đủ văn hóa quốc gia về hội họa. Đồng thời, trường cũng liên kết hợp tác đào tạo giáo dục với Hàn Quốc, trong đó có Khoa Mỹ thuật ứng dụng.
Bà Sunny Ek Sung - đại diện nhóm sáng tác - chia sẻ: “Qua triển lãm, tôi nghĩ các họa sĩ Hàn Quốc sẽ có cái nhìn mới và hiểu thêm về hội họa Việt Nam. Nghệ thuật không có giới hạn nên tôi muốn giới thiệu những họa sĩ tốt nhất của Hàn Quốc có mặt tại triển lãm để cùng giao lưu với các họa sĩ cũng như hiểu hơn về hội họa Việt Nam”.
Trong 30 năm qua, hợp tác giữa hai quốc gia về lĩnh vực hội họa tuy chưa nhiều nhưng khá bền chặt. Trong các dịp đi thực tế, họa sĩ hai nước đã sát cánh cùng nhau, chia sẻ về vẻ đẹp cũng như phong cách sáng tác truyền thống.
Nếu như hội họa Việt Nam với sự ảnh hưởng của phương Tây từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập, thì hội họa Hàn Quốc chủ yếu thông qua con đường du học Nhật Bản hoặc phương Tây (Mỹ, Pháp hay Đức).
Chính vì thế, mỹ thuật gia đương thời chịu ảnh hưởng rất lớn từ mỹ thuật Nhật Bản, từ kỹ thuật tới phong cách với hai trào lưu chính là chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa hiện thực.
Sau khi Go Hee-dong (1886 - 1965) tốt nghiệp Khoa Hội họa phương Tây Trường Đại học Mỹ thuật Tokyo và trở về hoạt động trong nước, ông đã thay đổi hội họa Hàn Quốc ở nhiều phương diện. Từ phương pháp tạo hình, cách xử lý và cảm thụ tác phẩm, họat động đối ngoại triển lãm hay theo dõi hoạt động của người xem tranh.
Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đem đến triển lãm 4 tác phẩm phản ánh cuộc sống miền Trung. Tác phẩm miêu tả ghi lại cảm xúc người dân miền núi, cuộc sống văn hóa nơi miền biển cũng như những khó khăn và niềm vui của người dân trước những gì mà thiên nhiên ban tặng.
“Ngoài việc quảng bá văn hóa, chúng ta cũng phải học ở họ những giá trị rất cao ở nghệ thuật. Mỗi nước có phong cách, góc nhìn sáng tạo khác nhau. Và khi những bức tranh ở gần nhau, chúng ta thấy được điểm hay cũng như điểm dở để khắc phục”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ cho biết.
Trong những năm qua, hoạt động giao lưu, triển lãm hội họa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới được đẩy mạnh. Chính vì vậy, mỹ thuật Việt Nam luôn có những đặc sắc trên thị trường đấu giá quốc tế.
Nhiều nhà sưu tập Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức… rất chú ý đến các tác phẩm đến từ Việt Nam. Bởi ngoài sự đặc sắc của Á Đông, hội họa Việt Nam còn mang âm hưởng sự va đập và giao thoa văn hóa cũng như phong cách.
“Trong hợp tác văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc, giao lưu trong lĩnh vực mỹ thuật rất quan trọng. Tôi mong những triển lãm như thế này được tổ chức hàng năm, định kỳ để tăng cường giao lưu hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia. Đặc biệt trong lĩnh vực hội họa, đó sẽ là cơ hội để chúng ta giao lưu, quảng bá sản phẩm nghệ thuật”. Ông Phạm Tiến Vân - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc