Nghệ nhân Phạm Quang Xuân tiếp tục làm dép lốp sau khi nghỉ hưu. |
“Nhằm thực hiện cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội triển khai nhiều hoạt động gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long – Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử với thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa mới. Trong đó, triển lãm “Chuyện nghề” là một ví dụ để tôn vinh và thúc đẩy nghề truyền thống”. Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
Triển lãm “Chuyện nghề” với không gian trưng bày dép cao su (dép lốp) đã gắn bó với những người lính trong suốt hai cuộc kháng chiến, đi cả vào những tác phẩm thi ca...
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân là người được mệnh danh là “vua dép lốp” - có kinh nghiệm làm dép lốp từ năm 18 tuổi. Trước đó, ông Xuân đã có thời gian kinh qua nhiều nghề khác nhau như thợ cơ khí, khâu bóng, sửa đồng hồ, trang trí nội thất.
Ông bén duyên với nghề làm dép lốp từ năm 1965 khi bắt đầu làm việc cho Xí nghiệp Bách hóa Hà Nội. Đến khi thống nhất đất nước năm 1975, ông chuyển sang nghề khác do không cạnh tranh được với dép từ miền Nam bán ra Bắc.
Tuy vậy, niềm đam mê với dép lốp đã kéo ông quay trở lại với nghề vào năm 1999 và trở nên nổi tiếng khi những sản phẩm làm ra ngày càng chiếm được cảm tình của khách trong và ngoài nước.
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân chia sẻ: “Tôi đã định giải nghệ cách đây khoảng chục năm, nhưng trước khi nghỉ tôi có làm tặng anh em mấy đôi làm kỉ niệm. Nhiều người thấy hay nên họ nhờ tôi làm và trả tiền. Trong lúc đó, có khách nước ngoài đến và có ý tưởng nhờ tôi sản xuất một đôi mang biểu tượng của Việt Nam để tặng cho bạn bè bên nước họ”.
Từ dép cao su, gia đình 'vua dép lốp' còn có thể sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt. |
Anh Nguyễn Tiến Cường nối nghiệp bố vợ khi những câu chuyện đóng dép cho cán bộ đi B, quy trình làm dép thủ công của ông Xuân ngấm dần vào anh. Từ phó giám đốc của một công ty phần mềm có tiếng, anh Cường quyết định nghỉ việc vào năm 2013 để tiếp bước nghề gia đình nhà vợ.
Một hành trình mới bắt đầu với công việc tay ngang ngày càng lôi cuốn anh. “Tôi đến với nghề khi thấy dép lốp của Việt Nam chứa đựng nhiều ý nghĩa. Đây là một trong những sản phẩm hiếm trên thế giới và có thể gây tiếng vang vì nó gắn với lịch sử cận đại, với cuộc kháng chiến và được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng. Ngoài ra, dép được làm thủ công từ những lốp xe đã qua sử dụng như một quá trình tái chế rác thải, chính vì vậy, tôi quyết định từ bỏ công việc phần mềm để chuyển sang gìn giữ nghề”, anh Cường cho hay.
Trong không gian của triển lãm “Chuyện nghề”, 5 dòng sản phẩm không chỉ là 5 câu chuyện đặc biệt – mà còn chứa đựng biết bao thăng trầm. Việc tái sinh củi lũ của nghệ nhân Lê Ngọc Thuận là một ví dụ. Anh đã biến những thanh gỗ mục trong mùa mưa lũ từ thượng nguồn trôi về thành tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và kinh tế.