Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson nhấn mạnh rằng, cần phải giám sát chặt chẽ hơn khoản kinh phí dành cho Ukraine và tạo ra một sự thay đổi lớn trong vấn đề an ninh ở biên giới giữa Mỹ và Mexico. “Cho đến nay, chúng tôi vẫn làm được cả hai việc này”, ông Mike Johnson lưu ý. Nhưng Nhà Trắng vẫn còn thời gian để cố gắng đạt được một thỏa thuận về an ninh biên giới. Còn Tổng thống Zelensky nói rằng, ông vẫn lạc quan về sự hỗ trợ của lưỡng đảng dành cho Ukraine: “Điều quan trọng là từ giờ cho đến cuối năm nay, chúng ta có thể gửi tín hiệu mạnh mẽ về sự đoàn kết trong việc đối phó với Nga”.
Nếu Mỹ cắt đứt tài trợ cho Ukraine thì điều này có thể khiến Tổng thống Putin thấy rằng ông hoàn toàn có khả năng làm suy yếu quyết tâm của phương Tây trong việc giải quyết các vấn đề chính trị và xung đột trên toàn cầu. Mặc dù chịu tổn thất lớn trong các cuộc giao tranh, nhưng Nga đang tìm cách tái củng cố lực lượng để trụ vững trong một cuộc chiến tiêu hao.
Nga tăng sức ép nhằm duy trì đòn bẩy
Hanna Notte, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga ở Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, trụ sở tại California, Mỹ nhận định: “Sau đợt tấn công đầu tiên không đạt kết quả như mong đợi, Nga đã quyết tâm tham gia một cuộc chiến kéo dài với hy vọng họ sẽ có sức chịu đựng lớn hơn và duy trì sức mạnh bền bỉ lâu hơn Ukraine”.
Bà Hanna Notte lưu ý, Nga đã tìm cách thích nghi, với việc tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược trong nước, đồng thời nhập khẩu trang thiết bị quan trọng từ Iran và Triều Tiên. Tất cả đều nhằm mục tiêu giữ vững sức mạnh trong một cuộc chiến tiêu hao. Sự hỗ trợ của các quốc gia bên ngoài có ý nghĩa rất to lớn đối với Moscow trên chiến trường, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái.
Trái lại, Ukraine đang phải gồng mình để có đủ nguồn cung đạn dược và vũ khí từ Mỹ và châu Âu – những quốc gia cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và đối mặt với nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ vũ khí.
Dù có lợi thế đáng kể về quân số và vũ khí, Nga vẫn phải đối mặt với những hạn chế nhất định. Các nhà phân tích cho rằng, Moscow đã mất số lượng lớn binh sỹ trong các cuộc tấn công thời gian qua, đồng thời giành được rất ít lãnh thổ ngoại trừ thành phố Bakhmut. Trước việc Tổng thống Zelensky yêu cầu quân đội xây dựng các công sự phòng thủ dọc theo các mặt trận, các bước tiến của Nga có thể bị chững lại.
Steven Pifer, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, từng là đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho rằng: “Trong cuộc chiến này, chiến lược phòng thủ thường mang lại lợi thế đáng kể”.
Ukraine đối mặt tình thế cấp bách
Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là nước ủng hộ hàng đầu của Ukraine, chiếm khoảng một nửa số vũ khí viện trợ và 1/4 nguồn viện trợ nước ngoài. Nhưng sự chia rẽ tại Quốc hội Mỹ và những tranh cãi đảng phái về vấn đề an ninh biên giới đã khiến nhiều người Ukraine lo lắng.
Ông Yuriy Makarov, nhà bình luận chính trị của tạp chí Ukrainsky Tyzhden của Ukraine cho rằng: “Hiện, người Ukraine bắt đầu nghi ngờ về việc Mỹ muốn chúng tôi hạ vũ khí và ký kết một thỏa thuận ngừng bắn không mong muốn với Nga”.
Theo New York Times, thất bại của cuộc phản công dường như đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ nội bộ của Ukraine, đặc biệt là giữa Tổng thống Zelensky và Tướng Valery Zaluzhny - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine. Một tháng sau khi ông Zelensky công khai chỉ trích ông Zaluzhny sau khi ông này nói rằng cuộc chiến đã đi vào bế tắc, cả hai vẫn chưa cùng nhau xuất hiện trước công chúng.
Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang quyết liệt hơn khi phát động các cuộc tấn công. Sau nhiều tuần tập trung vào thành phố Avdiivka, cuối tuần qua, Moscow đã bắt đầu cuộc tổng tấn công dọc theo mặt trận phía Đông, chỉ huy của lực lượng mặt đất Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi nói với truyền thông.
Mỹ đã cung cấp hơn 2 triệu quả đạn pháo 155mm cho Ukraine và làm trung gian chuyển giao hàng viện trợ từ các quốc gia khác. Tuy vậy, nguồn dự trữ của quân đội phương Tây, vốn không không lường trước được một cuộc chiến pháo binh lớn, đang cạn kiệt. Ngoài ra, Ukraine cũng cần đạn dược cho hệ thống phòng không vì lo ngại máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga sẽ xuyên thủng mạng lưới phòng không bao phủ thủ đô Kiev và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tình thế sẽ trở nên cực kỳ nguy cấp đối với Ukraine, nếu tên lửa Nga có thể xuyên qua hệ thống phòng không một cách hiệu quả, tấn công các mục tiêu quân sự như sân bay, phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng, khiến Kiev ngày càng phụ thuộc vào viện trợ phương Tây. Nói về các cuộc tấn công của Nga, ông Tymofiy Mylovanov, cựu Bộ trưởng kinh tế Ukraine cho rằng: “Họ có thể tiếp tục làm điều đó chừng nào họ cảm thấy cần thiết”. Theo thời gian, việc suy giảm sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sẽ khiến Kiev mất đi nguồn cung vũ khí, trong trường hợp đó, Nga sẽ trở nên quyết liệt hơn, ông Mylovanov lưu ý.