Vùng tạo sao ngoạn mục này là một trong những hình ảnh đầu tiên từ Đài quan sát Vera C. Rubin mới tại Chile.
Tuần này, các nhà nghiên cứu đã công bố những hình ảnh đầu tiên được mong đợi từ lâu của Đài quan sát Vera C. Rubin tại Chile. Trong loạt ảnh đầu tiên đó, cùng với một trong những bức ảnh không gian chi tiết nhất từng được chụp, là hình ảnh ngoạn mục của Tinh vân Ba thùy (Trifid Nebula), còn được biết đến với tên gọi Messier 20. Hình ảnh tuyệt đẹp từ chiếc máy ảnh kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã thể hiện rõ vẻ đẹp rực rỡ của thiên thể này.
Tinh vân Ba thùy là một đám mây khí và bụi được chia thành 3 phần khá rõ rệt do đó có tên gọi "ba thùy" (trifid). Phần màu hồng là một tinh vân phát xạ, tức một đám mây khuếch tán của khí ion hóa tự phát sáng. Phần màu xanh là một tinh vân phản xạ, một đám mây khí và bụi phản xạ ánh sáng của các ngôi sao lân cận, tương tự như ánh sáng đèn đường xuyên qua sương mù. Các vùng tối trong hình ảnh là những tinh vân tối và các dải bụi, chia thiên thể này thành ba phần, tạo thành một mạng lưới phức tạp của bụi và các cụm sao.
Tinh vân Ba thùy là một nơi đầy biến động. Bên trong nó, những ngôi sao mới đang được hình thành, tạo ra bức xạ mạnh mẽ khắc họa lên khí và bụi thành những hình dạng tuyệt mỹ như trong ảnh.
Bức ảnh ngoạn mục này - hiện đã có sẵn trực tuyến dưới dạng phiên bản có thể thu phóng và cho phép tải về với độ phân giải 40 megapixel - được chụp trong bốn đêm của tháng 5 năm 2025 và là kết quả của 664 lần phơi sáng sử dụng Máy ảnh Khảo sát Di sản Không gian và Thời gian (LSST) với độ phân giải 3.200 megapixel. Máy ảnh này được gắn vào Kính thiên văn Khảo sát Simonyi đường kính 8,4 mét. Cùng nhau, chúng sẽ chụp ảnh bầu trời đêm của Nam bán cầu sau mỗi ba đến bốn ngày trong suốt thập kỷ tới, tạo nên một khảo sát tua nhanh thời gian chưa từng có về vũ trụ.
Cuộc khảo sát kéo dài một thập kỷ này sẽ tạo ra nhiều dữ liệu trong một năm hơn toàn bộ ngành thiên văn quang học trước đây cộng lại. Rubin có thể sẽ phát hiện hàng triệu tiểu hành tinh mới (hơn 2.100 đã được phát hiện chỉ trong tuần đầu tiên), cũng như các vụ nổ supernova chưa từng biết đến và các vật thể gần Trái Đất có khả năng gây nguy hiểm. Mỗi mảng bầu trời mà Rubin khảo sát sẽ được chụp khoảng 800 lần trong suốt dự án, bao gồm cả Tinh vân Ba thùy.
R.T
Theo Livescience