“Bắc Kinh thường kéo dài các cuộc đàm phán để đạt được thoả thuận có lợi hơn. Đó là trường hợp khi đàm phán PS1”, Alicja Bachulska, một chuyên gia về chính sách Trung Quốc tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận xét.
“Khi chiến dịch quân sự ở Ukraine đã biến thành cuộc chiến kéo dài, Bắc Kinh tin rằng vị thế mặc cả của họ với Mátxcơva chỉ có thể mạnh lên”, bà Bachulska nói.
Vì thế, theo chuyên gia này, việc kéo dài thời gian có thể giúp Trung Quốc đạt được mức giá thấp hơn khi mua khí đốt qua đường ống mới.
Đàm phán Nga – Trung về đường ống đã được đẩy mạnh trong những tháng trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
"Trong chuyến thăm Bắc Kinh nhân dịp Olympic, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký hợp đồng 25 năm cho tuyến đường ống viễn đông và chắc chắn đã bàn về PS2”, Tatiana Mitrova, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu tại ĐH Columbia, nhận định.
Tuy nhiên từ đó, dù Nga nhiều lần nhấn mạnh sẵn sàng triển khai PS2, Trung Quốc rõ ràng vẫn im lặng. Khi thăm Điện Kremlin hồi tháng 3 vừa qua, ông Tập chỉ nói qua về PS2, còn Tổng thống Putin nhấn mạnh như thể nó đã đàm phán xong.
Để tránh quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp nào, Trung Quốc chủ động ký hợp đồng mua khí đốt lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực sự, Gergely Molnar, một nhà phân tích về khí đốt tại Cơ quan Năng lượng quốc tế, cho biết.
Trung Quốc chỉ phụ thuộc 5% nguồn cung khí đốt từ Nga. PS2 có thể nâng tỷ lệ này lên khoảng 20% vào đầu những năm 2030.
Trung Quốc chắc chắn sẽ thu được lợi ích từ đường ống này. Họ muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình, đặc biệt là nguồn cung cấp trên bộ từ Nga và Trung Á, vốn sẽ an toàn hơn so với các tuyến đường biển trong trường hợp căng thẳng địa - chính trị hoặc quân sự với phương Tây.
Lin Boqiang, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc thuộc Đại học Hạ Môn, cho biết: “Việc vận chuyển khí đốt qua Nga, thông qua vận tải đường bộ, an toàn hơn so với (Trung Đông) xa xôi”.
Có những phức tạp địa - chính trị trong việc đồng ý với thỏa thuận trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Nhưng một số chuyên gia về chính sách của Trung Quốc tin rằng quan hệ đối tác năng lượng sâu sắc hơn với Nga chỉ là vấn đề thời gian.
Đối với Nga, xây dựng PS2 là cách duy nhất để bù đắp ít nhất một phần thị trường EU mà nước này đã mất. Thị trường châu Âu chiếm phần lớn lượng khí đốt được khai thác ở bán đảo Yamal. Nhưng điều này có nghĩa là chưa có động lực mạnh mẽ nào để Trung Quốc đồng ý triển khai đường ống mới ngay bây giờ.