Sự phát triển thần kỳ của công nghệ thông tin và trí thông minh nhân tạo khiến cách tương tác giữa học sinh và giáo viên thay đổi. Nếu trước đây, với mọi khó khăn, vướng mắc, học sinh sẽ tới gặp thầy cô để được giải đáp, thì bây giờ các em có thể ngồi tại chỗ và tìm ra đáp án cho câu hỏi của mình với sự giúp đỡ của công cụ AI như ChatGPT. Điều này làm giảm sự kết nối, phụ thuộc của học trò vào người thầy. Đồng thời gián tiếp làm giảm đi tầm quan trọng, sự tôn trọng truyền thống mà người thầy đáng được nhận.
Hiếu học và kính trọng người thầy luôn là đạo lý cơ bản của người Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Minh |
Chúng ta đã bàn nhiều về chủ đề “tôn sư trọng đạo”, nhưng có lẽ nhiều người chưa nghĩ đến những hậu quả của việc thiếu “tôn sư trọng đạo” ảnh hưởng tới xã hội ra sao. Việc suy giảm sự tôn trọng giáo viên hiện nay xảy ra ở mức báo động khiến mức độ hài lòng với công việc của nhà giáo ở mức thấp.
Nhiều giáo viên giỏi phải tranh đấu với suy nghĩ “bỏ nghề” chỉ vì mức lương nhiều khi chỉ bằng một nửa của công nhân và không thể đủ trang trải cuộc sống. Môi trường của giáo viên ngày càng trở nên áp lực. Cùng với sự thiếu tôn trọng, giáo viên cảm thấy thiếu hỗ trợ, bị quản lý giám sát chặt chẽ và có thể bị lan truyền hình ảnh cá nhân lên không gian mạng một cách vô ý thức.
Đội ngũ giáo viên là bộ máy cái tạo ra những “con người mới” với năng lực và tư duy tương lai. Tập hợp những con người mới với phẩm chất và năng lực phù hợp sẽ tạo ra một xã hội mới. Thử nghĩ xem, nếu giáo viên giỏi đều muốn bỏ nghề, tương lai con em chúng ta đi về đâu? Liệu ai giúp học sinh có tư duy phản biện, tinh thần đổi mới sáng tạo, tri thức để tạo ra giá trị mới và thành công trong cuộc sống?
Đã có những nghiên cứu chỉ ra, việc tôn trọng giáo viên có tác động mạnh mẽ đến chỉ số hạnh phúc trong xã hội. Thậm chí có người còn khẳng định chỉ số hạnh phúc của bất kỳ một quốc gia nào cũng phụ thuộc vào cách xã hội đó ứng xử, tôn trọng với người thầy.
Chẳng hạn như Phần Lan - quốc gia với hệ thống giáo dục được đánh giá cao trên toàn thế giới nhờ sự tập trung vào bình đẳng, tự chủ giáo viên và quy trình học tập cá nhân hóa. Giáo viên ở Phần Lan được đào tạo bài bản, nghề nghiệp nhận sự tôn trọng cao từ xã hội nên lựa chọn công tác giảng dạy trở thành một trong những định hướng nghề nghiệp phổ biến nhất ở những người trẻ.
Vì giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tương lai xã hội bằng việc giáo dục và định hình nhân cách thế hệ tiếp theo nên khi thầy cô được tôn trọng sẽ cảm thấy trân trọng, hài lòng hơn với nghề nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, khiến họ có động lực và cam kết cống hiến nhiều hơn.
Khi xã hội tôn trọng giáo viên bằng cách ghi nhận và trả công xứng đáng sẽ thu hút nhiều cá nhân tài năng đến với nghề giáo. Điều này quay ngược trở lại cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, trực tiếp ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của thị trường lao động và nền kinh tế xã hội.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Nhưng ngay cả khi trí thông minh nhận tạo có thể hiểu và trả lời trôi chảy những câu hỏi của chúng ta, chúng vẫn thiếu đi sự ấm áp, đồng cảm. Trí thông minh nhân tạo không thể có khả năng phát hiện vấn đề của người học và giải quyết linh hoạt như các thầy cô. Không thể tạo ra cảm giác thấy được quan tâm và hỗ trợ trong quá trình học tập của người học.
Không thể nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập với một chủ đề môn học hay cũng chẳng thể dạy được những bài học về giá trị sống, kỹ năng sống như đương đầu hiệu quả với nỗi thất vọng hay sự thất bại.
Tuy vậy, mỗi giáo viên thế kỷ 21 cần có ý thức cập nhật bản thân với những năng lực cảm xúc xã hội, phương pháp để học tập suốt đời và những kỹ năng công nghệ để có thể sử dụng, khai thác hiệu quả trí thông minh nhân tạo phục vụ quá trình dạy học của mình. Đây là điều quan trọng vì nếu chúng ta chỉ giáo dục học sinh ngày hôm nay sẽ đánh cắp tương lai, ngày mai của các em. Và đánh cắp luôn cả tinh thần “tôn sư trọng đạo” của xã hội.
Khi tinh thần “tôn sư trọng đạo” được củng cố, sẽ lan tỏa thành bầu không khí tôn trọng, đánh giá cao công tác giáo dục. Điều này thúc đẩy phong trào xã hội hóa giáo dục và tinh thần học tập suốt đời của những cá nhân.