Giáo dục

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo

26/07/2024 10:15

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Tấm gương về “tôn sư trọng đạo”

Lần giở từng trang sách “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ, sự ra đi của Tổng Bí thư là nỗi đau thương, mất mát lớn của Đảng và Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương mẫu mực về đạo đức và là người có uy tín ảnh hưởng rất lớn trong Đảng, Nhân dân, trong đó có ngành Giáo dục, đào tạo.

Nói về ảnh hưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, đó là tinh thần “tôn sư trọng đạo”.

Mỗi người, từ lúc thơ ấu đến lúc trưởng thành, ai cũng có trong cuộc đời mình rất nhiều thầy, cô giáo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vậy. Những bức thư mà Tổng Bí thư gửi cho cô giáo cũ thời tiểu học, cho đến các thầy, cô giáo, giáo sư đại học… đã để lại cho chúng ta những ấn tượng tốt đẹp, với sức thuyết phục rất lớn. Vì ông là tấm gương về “tôn sư trọng đạo”, đức khiêm nhường, khiêm tốn.

6.gif
Tổng bí thư đến nhà thăm cô giáo cũ năm 2005. Ảnh gia đình cung cấp.

Hãy đọc lại những điều Tổng Bí thư nói khi về thăm trường cũ - Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội): “Đến đây, em xin các thầy, cô hãy coi em như học trò cũ của trường. Em để lại tất cả chức danh, chức vụ ở ngoài ngôi trường này"

"Tổng Bí thư hết sức khiêm tốn, chân thành! Đấy thực sự là một tấm gương về đạo đức”- GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh và nhìn nhận, giáo dục đang lấy đạo đức làm hàng đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, đức là gốc. Tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là minh chứng sinh động cho chúng ta về điều đó. Vì thế, có thể nói, ảnh hưởng đầu tiên của Tổng Bí thư với giáo dục bắt đầu từ phẩm chất đạo đức, từ truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Nhấn mạnh vấn đề đạo đức, hoàn thiện nhân cách

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người trực tiếp ký ban hành Nghị quyết số: 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Đây là Nghị quyết quan trọng với nền giáo dục của Việt Nam. Hơn 10 năm nay, toàn ngành Giáo dục vẫn thực hiện Nghị quyết này một cách khẩn trương, nghiêm túc và sáng tạo, dù thực tiễn còn rất bộn bề và khó khăn.

Nghị quyết 29 nhấn mạnh, chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. “Điều đó mới là thực chất sâu xa của bản chất giáo dục, mang tính khoa học, cách mạng và nhân văn” - GS.TS Hoàng Chí Bảo bày tỏ.

Tư tưởng đó giúp chúng ta thấu hiểu: dạy chữ, dạy nghề để cuối cùng là dạy người và hoàn thiện nhân cách. Điều này cũng đúng với tâm nguyện của Bác Hồ khi viết thư gửi học sinh, sinh viên, thanh niên từ những năm học đầu tiên sau Cách mạng tháng 8/1945 thắng lợi.

Bác viết, một nền giáo dục mới, giáo dục dân chủ, khoa học cách mạng sẽ đào tạo cho các em thành con người lao động có ích cho xã hội. Nó sẽ phát triển hoàn toàn các năng lực sẵn có của các em.

Tư tưởng ấy thực sự là một tư tưởng lớn, mang tính cương lĩnh về giáo dục và đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế thừa, phát huy. Điều đó cho thấy, vấn đề giáo dục nhân cách hệ trọng như thế nào.

3.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến giáo dục ở các cấp học, từ mầm non đến tiểu học, trung học, đại học và sau đại học. Điều ấy chứng tỏ, vì sao trong hoạt động thực tiễn, những lần có điều kiện tiếp xúc với giáo dục, đến thăm các nhà trường, thầy, cô giáo và khi nói chuyện với học sinh, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đạo đức, vấn đề nhân cách.

Cuộc cách mạng trong giáo dục

Một điểm nữa mà GS.TS Hoàng Chí Bảo muốn nhấn mạnh về ảnh hưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp giáo dục là vấn đề đổi mới. Đổi mới giáo dục nằm trong một tổng thể chung của đổi mới kinh tế, xã hội.

Giáo dục, đào tạo có thể nói là “vườn ươm” nhân lực chất lượng cao, nơi phát hiện, nuôi dưỡng các nhân tài của đất nước. Không có hiền tài thì không có nguyên khí quốc gia.

Nhấn mạnh, Nghị quyết 29 là một cuộc cách mạng trong giáo dục, GS.TS Hoàng Chí Bảo liên hệ tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi Đảng còn chưa ra đời, năm 1927, khi viết tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác đã đưa ra định nghĩa sâu sắc về Kách mệnh là phá cái cũ để đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt, tức là đổi mới và phát triển.

Cũng như trong lĩnh vực giáo dục, thay đổi một quan niệm tư duy về giáo dục, để rồi thay đổi cả về thiết kế chương trình giáo dục, đào tạo, thay đổi về kiểm tra, đánh giá, nhất là vấn đề đào tạo cho được hình mẫu nhân cách của nhà giáo dục Việt Nam thời kỳ đổi mới; từ đó tác động đến thế hệ học sinh.

Thực chất đó là một cuộc cách mạng. Thay đổi những cái cũ, thói quen đã lỗi thời, lạc hậu để tiếp cận những cái mới, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của lịch sử.

gshoangchibao.jpg
GS.TS Hoàng Chí Bảo.

Gần đây, chúng ta nói nhiều về công dân toàn cầu. Vì thế, phải chuẩn bị cho thế hệ trẻ khả năng, tâm thế sẵn sàng thích ứng và làm việc trong môi trường toàn cầu. Trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhìn nhận, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thực sự mang tầm vóc một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục.

Khẳng định niềm tin của nhân dân với đường lối đổi mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất lạc quan. Ông từng nói, đất nước ta chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay. Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, ở tầm nhà lãnh đạo chiến lược của quốc gia, thì phẩm chất này rất quý và rất cần thiết.

Luận điểm của Tổng Bí thư về đổi mới giáo dục đạt được những thành tích trong thực tiễn là rất đáng tự hào. Điều đó tiếp thêm cho chúng ta niềm tin rằng, nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng về đổi mới giáo dục là đúng đắn, được thực tiễn xác nhận. Nó chính là một trong những cội nguồn dẫn đến những thành tựu mà chúng ta đạt được trong những năm đổi mới giáo dục vừa qua.

Nói rộng hơn, cả quốc gia, dân tộc, cả đời sống xã hội và trong tương quan với quan hệ quốc tế thì Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, sự nghiệp, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Điều này đã được chính thực tiễn đổi mới gần 40 năm nay xác nhận.

Từ sự biến đổi về mặt kinh tế, đời sống chính trị, nhất là động lực dân chủ, cho đến nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, mà sâu xa ra là chúng ta tận dụng mọi khả năng của văn hóa, giáo dục.

1.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết cùng đồng bào xã Dur Kmăl (Krông Ana, Đắk Lắk).

Đó là nguồn lực nội sinh của xã hội phát triển. Chính cơ đồ, sự nghiệp, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta, trong đó có bức tranh khởi sắc của giáo dục đã là khẳng định niềm tin của Nhân dân với đường lối đổi mới sáng tạo của Đảng; trong đó dấu ấn quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những năm cuối đời, khi quyết liệt trong chỉ đạo cuộc chiến chống tham nhũng, mà nếu không chống tham nhũng một cách thành công thì nó sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, mà sâu xa nhất là niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ của chúng ta.

Tổng Bí thư từng nói, danh dự là điều quan trọng và thiêng liêng nhất. Điều này đang thức tỉnh rất nhiều người, từ trong Đảng đến Nhân dân; trong đó có ngành Giáo dục.

Cho nên, giáo dục xây dựng Đảng cần tập trung vào vấn đề đạo đức; rộng hơn là văn hóa, giáo dục; bởi đó là danh dự, trách nhiệm, lương tâm và liêm sỉ, để tự mình có thể bảo vệ mình ra khỏi những cạm bẫy, cám dỗ rất dễ hư hỏng do đồng tiền của nền kinh tế thị trường tác động đến.

“Nhận thức ấy và truyền nhận thức đó đến cho tất cả chúng ta có công lao rất lớn của Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng trên góc nhìn giáo dục đào tạo” - GS.TS Hoàng Chí Bảo nhìn nhận.

7.gif
Thư của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết cô giáo cũ từ thời tiểu học.

Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, chăm lo đến đội ngũ giáo viên, các nhà giáo, bởi hình tượng mẫu mực của các nhà sư phạm, các nhà giáo mà ảnh hưởng đến giáo dục đào tạo, nhất là đến nhân cách của lớp trẻ.

Vì thế, giáo dục toàn diện, cần đặc biệt giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ, nhất là chúng ta đang đứng trước bối cảnh chuẩn bị cho năm học mới, năm học có ý nghĩa quan trọng tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

“Chúng ta học tập, tiếp thu những những tư tưởng và di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại càng thấm thía những vấn đề nêu trên” - GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-co-anh-huong-lon-den-su-nghiep-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-post693217.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-co-anh-huong-lon-den-su-nghiep-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-post693217.html
Bài liên quan
Nhà giáo Nhân dân trải lòng về đổi mới giáo dục
Nhà giáo Vũ Hữu Bình là giáo viên cấp THCS duy nhất tại Hà Nội được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân nhờ những thành tích xuất sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo