Quan hệ Đức – Nga trở nên căng thẳng khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 năm ngoái. Ông Robert Habeck, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Đức, từng tuyên bố, nước này sẽ loại bỏ và không bao giờ phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Tháng 4 năm ngoái, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho EU qua đường ống Yamal (chạy qua lãnh thổ Ba Lan). Lý do là Ba Lan từ chối thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp.
Tháng 9 năm ngoái, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 từ Nga sang Đức bị rò rỉ. Việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức gần như tê liệt.
Hôm 29/10, ông Aleksey Chernyshov, người đứng đầu tập đoàn năng lượng Naftogaz của Ukraine, tuyên bố, Naftogaz sẽ từ chối vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine sau khi hợp đồng giữa 2 bên hết hạn vào cuối năm 2024.
“Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và chúng tôi không có ý định gia hạn. Hợp đồng sẽ kết thúc, quá trình vận chuyển khí đốt sẽ dừng lại”, ông Chernyshov nói.
Theo RT, Đức hiện là quốc gia viện trợ quân sự nhiều bậc nhất cho Ukraine. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thông báo, Đức sẽ viện trợ thêm 1,4 tỷ USD vũ khí cho Ukraine.
Tuy nhiên, trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 29/11, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo: “Công chúng ngày càng ít quan tâm đến tình hình ở Ukraine. Điều này thật tai hại”.
“Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để mở rộng chiếc ô phòng thủ cho Ukraine vào mùa đông”, bà Baerbock viết, đề cập tới hệ thống phòng không của Ukraine.