Tổng thống Ukraine cũng bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ nhận được các đảm bảo an ninh để giúp bảo vệ đất nước cho đến khi trở thành thành viên NATO.
Ukraine muốn gia nhập NATO càng sớm càng tốt, nhưng liên minh quân sự này bị chia rẽ trong lộ trình kết nạp Kiev. Các nước phương Tây như Mỹ và Đức lo ngại điều này có thể khiến NATO tiến gần hơn cuộc đối đầu quân sự trực diện với Nga.
Tổng thống Zelensky nhiều lần kêu gọi mang tính khẩn cầu để NATO thúc đẩy quá trình kết nạp . Ông Zelensky cũng ra điều kiện dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng sau. Tờ Financial Times đưa tin, ông Zelensky sẽ bỏ qua cuộc họp của NATO tại Litva vào tháng 7 trừ khi liên minh cung cấp cho Kiev những đảm bảo an ninh và lộ trình gia nhập.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết, NATO sẽ không thảo luận việc mời Ukraine gia nhập chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Ông Stoltenberg nói rằng, các lãnh đạo NATO sẽ thảo luận cách "siết chặt quan hệ chính trị với Ukraine " tại hội nghị lần này, theo đó có thể mang lại cho Ukraine vị thế bình đẳng hơn trong tiến trình “tham vấn và quyết định về các vấn đề an ninh".
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU), thậm chí Kiev đã đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào hiến pháp năm 2019, bất chấp những cảnh báo của Nga rằng khả năng liên minh triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới sẽ tạo thành mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được.
Ông Zelensky hôm 30/9/2022 ký đơn xin gia nhập NATO, đề nghị liên minh nhanh chóng kết nạp Ukraine, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Ukraine cho rằng chính sách phòng thủ tập thể của NATO, cung cấp đảm bảo an ninh cho các thành viên là điều cần thiết cho an ninh của họ. Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định, cuộc tấn công vũ trang chống lại một thành viên NATO “sẽ được coi là cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên".