Theo Sở Y tế TPHCM, 60 điểm tiêm chủng trên địa bàn sẽ hoạt động xuyên suốt từ 7h30 đến 17h mỗi ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, để phục vụ người dân Thành phố.
Sở Y tế TPHCM cho biết, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 1-10 tuổi trên địa bàn được triển khai từ ngày 31/8, sau 3 ngày UBND TPHCM ban hành quyết định công bố dịch sởi. Trong 10 ngày đầu, có 19.821 trẻ từ 1-5 tuổi (chiếm 32,6%) và 5.260 trẻ từ 6-10 tuổi (chiếm 8,3%) được tiêm chủng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 7% trẻ từ 1-5 tuổi và phần lớn trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm chủng.
Theo Sở Y tế TPHCM, bệnh sởi lây truyền rất nhanh và dễ bùng phát trong cộng đồng. Một ca mắc sởi có thể lây nhiễm trung bình cho 12 đến 18 người khác. Đặc biệt, những trường hợp chưa có miễn dịch hoặc chưa tiêm phòng đủ đều có nguy cơ cao mắc bệnh sau khi tiếp xúc với người bệnh trong thời kỳ lây nhiễm. Vì vậy, việc triển khai tiêm chủng phải được tiến hành càng sớm càng tốt.
Đáng chú ý, chỉ trong tuần đầu của năm học mới, TPHCM đã ghi nhận 5 trường học tiểu học có ổ dịch sởi. Dự báo nhiều ổ dịch mới có thể xuất hiện tại các trường học nếu chiến dịch tiêm vaccine không kịp thời bao phủ toàn bộ đối tượng nguy cơ.
Do đó, việc triển khai đồng loạt chiến dịch tiêm phòng sởi là biện pháp cần thiết và cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và đặc biệt là trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đợt bùng phát này.
Sở Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi trên toàn Thành phố, nhằm cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024 để hạn chế sự lây lan và sớm kết thúc dịch. Đây là một trong những biện pháp trọng yếu nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đặc biệt khi sởi là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất nhanh qua đường hô hấp.
Chiến dịch tiêm phòng sởi lần này được thực hiện theo chiến lược "tiêm không kể tiền sử tiêm chủng trước đó" hoặc "tiêm bù cho những người chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi". Đây là chiến lược mang tính cấp thiết nhằm bao phủ miễn dịch cho cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cũng theo Sở Y tế TPHCM, từ ngày 16/9, 60 điểm tiêm chủng trên địa bàn Thành phố hoạt động xuyên suốt từ 7h30 đến 17h mỗi ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, để phục vụ người dân.
Các trung tâm y tế tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức đảm bảo có ít nhất 1-2 điểm tiêm chủng hoạt động vào các ngày cuối tuần nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Dự kiến, chiến dịch sẽ tiêm vaccine cho khoảng 125.000 trẻ em thuộc diện cần tiêm, với ưu tiên nhóm trẻ từ 1-5 tuổi. Tiến độ tiêm vaccine cho nhóm này đang được đẩy nhanh để hoàn thành trong tháng 9/2024. Đồng thời, từ tuần thứ 3 của tháng 9, toàn Thành phố sẽ mở rộng chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 6-10 tuổi.
Sở Y tế cũng cho biết, hiện đã có Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) - Chi nhánh TPHCM và Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu đề xuất tham gia chiến dịch tiêm chủng sởi theo hướng dẫn của ngành y tế.
Riêng VNVC, với hệ thống gần 40 trung tâm tiêm chủng và gần 2.000 bác sĩ, nhân viên y tế, đơn vị này đã sẵn sàng tổ chức các đội tiêm lưu động đến các trường học và khu dân cư để tăng cường công tác tiêm phòng.
Tính từ khi TPHCM công bố dịch sởi, lượng người lớn và trẻ em đến VNVC tiêm phòng tăng cao. Trong đó, từ ngày 1-14/9, số lượt tiêm tăng tới 300% so với tháng trước, hơn 30.000 liều vaccine sởi được tiêm chủng.
Nguyễn Trần