Tham gia phản biện dự thảo, phần đông đại biểu đồng tình với đề xuất tăng mức phạt nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông ở TP HCM. Một số đại biểu nhận định Nghị quyết ra đời để bảo vệ tính mạng con người, làm chậm chừng nào thì thiệt hại càng nhiều.
Đại biểu đóng góp ý kiến
Tuy nhiên, luật sư Đoàn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP HCM) đã nêu lên một số bất cập trong thực tiễn xử phạt có thể ảnh hưởng đến tính khả thi của việc tăng mức phạt. Đơn cử như vẫn còn tồn tại nhiều "bẫy" giao thông trên đường (biển báo hiệu bị che khuất, biển báo không đồng nhất với vạch chỉ đường...).
Một số đại biểu khác thì cho rằng dự thảo nghị quyết chưa đánh giá tác động của mức phạt mới đến người dân. Ngoài ra, chế tài mang tính đặc thù ra đời vào thời điểm này là chưa phù hợp trước thực tế dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng có, không ít người dân TP HCM vẫn còn khó khăn sau dịch bệnh.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP HCM, cũng nêu lo ngại có thật sự cần thiết để ban hành nghị quyết trong thời điểm hiện nay không. Đại biểu kiến nghị lấy thêm ý kiến hiệp hội vận tải TP về việc gia tăng mức xử phạt.
Nhiều đại biểu góp ý bên cạnh tăng mức xử phạt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, nhất là đối tượng học sinh.
Đại biểu Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn về Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường của Uỷ ban MTTQ TP HCM, kiến nghị phải đưa Luật Giao thông vào trường học như môn học bắt buộc, để xây dựng văn hoá giao thông từ lớp trẻ.