Nêu ý kiến với các sở, ban ngành, cơ quan quản lý liên quan tại TPHCM, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cầu đường cảng TPHCM cho biết, TPHCM có hơn 8,6 triệu phương tiện cá nhân, chưa kể lượng phương tiện vãng lai, do đó nhu cầu giao thông tĩnh (bến xe, bãi đỗ xe) ngày càng trở nên cấp thiết.
Ông Trường đề nghị các ngành chức năng cho biết quy hoạch hệ thống bến bãi với tổng diện tích bến bãi được phê duyệt là 1.146ha có được cập nhật đồng bộ với quy hoạch chung của thành phố và các quận huyện hay không?
Cử tri Phạm Thị Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải và du lịch Thanh Sơn cho rằng hiện nay mạng lưới tuyến, bến bãi chưa được quy hoạch đồng bộ theo đề án quy hoạch của thành phố.
Bà Thanh chất vấn: “Khi tuyến Metro số 1 hoàn thành trong thời gian tới, khu vực xung quanh 4 nhà ga trung tâm rất cần có bãi đỗ xe để người dân sử dụng. Thành phố đã có phương án nào để sắp xếp, kết nối cho người dân sử dụng được thuận tiện trong điều kiện mô hình xe buýt chưa được kết nối hoàn chỉnh”.
Trao đổi tại chương trình, ông Trần Quang Lâm cho biết, hiện nay hệ thống bến bãi đậu xe trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng 250ha/1.146ha được quy hoạch (đạt khoảng 22%). Hệ thống hạ tầng nói chung và hệ thống bến bãi nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến người dân không hài lòng.
Theo ông Trần Quang Lâm, nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng triển khai chậm so với quy hoạch. Các dự án triển khai chậm dù đã được bố trí vốn. Trong khi đó, một số dự án bãi xe ngầm không thu hút được vốn đầu tư...
Ông Lâm cho biết, hiện nay thành phố đang rà soát quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, bến bãi. Bên cạnh quy hoạch, ông cho rằng cần có nhiều giải pháp để phù hợp với “siêu đô thị” như TPHCM.
“Sau quy hoạch, các quận huyện cần có giải pháp quản lý phù hợp, xây dựng lộ trình đầu tư bến bãi phù hợp. Nếu thành phố chỉ đầu tư hạ tầng thôi thì không giải quyết được vấn đề giao thông. Bắt buộc phải phát triển giao thông đô thị một cách bền vững bằng cách hạn chế dần việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Đó cũng là mô hình phát triển TPHCM hướng đến mục tiêu văn minh, hiện đại”, ông Lâm nhấn mạnh.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, cuối 2023 thành phố sẽ đưa vào khai thác tuyến Metro số 1 và tuyến này có 2 nhà ga trung tâm tại cảng Ba Son và Nhà hát Thành phố. Các nhà ga này đều có bãi xe đáp ứng nhu cầu gửi xe cùng các tuyến xe buýt kết nối. Cùng với đó, thành phố cũng đã bố trí vốn triển khai nhiều bến xe.
Ngoài ra, thành phố cũng triển khai thí điểm một số bãi đỗ xe lắp ghép theo phương thức xã hội hóa.