Đồng thời, tiếp tục tăng cường xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư giáo dục. Rà soát hệ thống các văn bản, chính sách về xã hội hóa đã ban hành của UBND TP, hệ thống hóa các quy định về huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục theo từng lĩnh vực và nhóm vấn đề cụ thể, phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu; tham mưu đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; kịp thời cập nhật những chủ trương, định hướng mới về xã hội hóa và có liên quan.
"TP sẽ tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, đồng thời, tiếp tục củng cố, duy trì hợp tác quốc tế với các tổ chức ngoại giao, đơn vị giáo dục quốc tế có uy tín trên cơ sở phát huy tối đa năng lực của ngành GD&ĐT. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT sẽ chủ động tìm kiếm các đối tác tiềm năng, có khả năng hỗ trợ về tiềm lực, tư vấn hướng phát triển hợp tác trong xây dựng các chương trình giáo dục, hợp tác quốc tế, đặc biệt là xây dựng thành công đề án phát triển GD&ĐT thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2045...” - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nêu.
Lưu ý phát triển mạng lưới trường mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chúc mừng những thành quả tốt đẹp mà ngành GD&ĐT TPHCM đã đạt được để hoàn thành nhiệm vụ năm học trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị. |
“Một trong các điểm nổi bật là TP đã tích cực chủ động trong đổi mới dạy học ngoại ngữ, chủ động trong việc phát triển loại hình tăng cường tiếng Anh và đưa việc dạy học Toán và khoa học bằng tiếng Anh vào thực hiện từ nhiều năm qua. Thành tích 6 năm liền dẫn đầu cả nước về môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với số điểm bình quân khá cao so với bình quân chung của cả nước đã phần nào minh chứng hiệu quả việc dạy tiếng Anh của Thành phố, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh...” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Đồng thời, trong năm học 2022-2023, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý ngành GD&ĐT TPHCM cần quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị của ngành, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Kiên trì đảm bảo các mục tiêu chất lượng đã đề ra. Tiếp tục kiên trì thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới.
Bên cạnh đó, TP cần chú trọng việc phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, đảm bảo đủ trường lớp, nhất là ở nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.
Triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Cùng với đó, TP tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về GD&ĐT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền có hiệu quả. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường.
"Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong GD&ĐT. Đồng thời, chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc...” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý.