Trước vụ việc nêu trên, dư luận quan tâm, số tiền 35 tỉ đồng mà thiếu tướng Ca đã nộp lại sẽ được xử lý như thế nào? Và sau khi nộp lại tiền cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
Về việc này, trao đổi phóng viên Báo Người Lao động, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết trước hết ông Ca đang bị khởi tố với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, căn cứ vào giá trị tài sản chiếm đoạt, mức hình phạt mà ông Đỗ Hữu Ca có thể phải đối mặt là từ 12 năm đến 20 năm và nặng nhất là tù chung thân. Để quyết định mức hình phạt cụ thể đối với ông Ca, các cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong đó, việc ông Ca trả lại toàn bộ số tiền 35 tỉ đồng nhận "chạy án" của ông Đước có thể được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Ca căn cứ quy định tại·điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể là tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả". Tuy nhiên, việc có giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Ca hay không phụ thuộc vào quyết định của Tòa án.
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ án, theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự, ngoài tình tiết khắc phục hậu quả đã đề đề cập ở trên, nếu ông Ca được hưởng thêm một số tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.
Còn về số tiền 35 tỉ đồng ông Đỗ Hữu Ca đã nộp lại cơ quan chức năng, theo vị luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, đây được coi là vật chứng của vụ án và bị tạm giữ cho đến khi tòa án tuyên bản án có hiệu lực pháp luật. Theo đó, bản án sẽ có nội dung liên quan đến số tiền nêu trên.
Trong trường hợp xác định chỉ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tòa tuyên trả lại tiền cho người bị ông Ca chiếm đoạt, họ sẽ nhận lại tiền thông qua cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, trường hợp xác định ông Ca nhận tiền với mục đích đúng là "chạy án" giúp, cơ quan tố tụng có thể xem xét xử lý những người liên quan về hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ. Qua đó, số tiền hàng chục tỉ đồng sẽ trở thành công cụ, phương tiện để phạm tội.
Theo khoản 2 điều 106 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2021) quy định về xử lý vật chứng, số tiền này sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. "Các phân tích nêu trên chỉ đều dựa vào thông tin ban đầu để nhận định còn kết quả xử lý ra sao vẫn cần chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan tố tụng" - luật sư nêu rõ.