Trách nhiệm của ngân hàng trong lừa đảo qua mạng

07/04/2023, 13:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các thủ đoạn lừa đảo qua mạng diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp, với sự "tiếp sức" của tài khoản ngân hàng đang nở rộ, vậy trách nhiệm của tổ chức tín dụng ở đâu?

Gần đây, các ngành chức năng liên tục phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường. Đáng nói là nạn nhân đều phải chuyển tiền qua ngân hàng. Điều này làm dấy lên câu hỏi: Nguyên nhân một phần có phải do ngân hàng dễ dãi trong mở và quản lý các tài khoản?

Bẫy giăng khắp nơi để chiếm tiền trong tài khoản

Dư luận đang xôn xao trước thủ đoạn lừa đảo qua mạng nhờ sử dụng công nghệ AI để giả giọng người thân lừa tiền, hay giả danh giáo viên gọi điện thoại cho phụ huynh yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí cho con đang cấp cứu tại bệnh viện…Trước đó, các chiêu lừa đảo như gọi điện thoại hoặc "mạo" văn bản của các cơ quan chức năng để đe dọa hòng chiếm đoạt tài sản tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy.

Những kẻ lừa đảo cũng sử dụng chiêu trò chuyển nhầm tiền vào tài khoản để lừa cho vay nặng lãi hay đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Một số trường hợp, kẻ xấu dụ người dân sử dụng truy cập vào những đường link do chúng kiểm soát nhằm rút sạch số tiền trong tài khoản của bị hại. Các thủ đoạn lừa đảo kiểu này có rất nhiều hình thức mới như lừa nhập thông tin tài khoản vào các trang web giả mạo website của ngân hàng, hoặc lừa đảo có mã giảm giá, chiết khấu cao giả mạo các sàn thương mại điện tử để dụ dỗ nạn nhân.

Đặc điểm chung của các hình thức lừa đảo này là kẻ gian đều sử dụng tài khoản ngân hàng để lừa nạn nhân chuyển tiền vào rồi chiếm đoạt.

Lừa đảo qua mạng để chiếm tiền ngày càng nở rộ: Trách nhiệm của ngân hàng ở đâu? - 1

Các hình thức lừa đảo qua mạng ngày càng nở rộ khiến người tiêu dùng nguy cơ mất trắng tài sản trong tài khoản ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Các hình thức lừa đảo qua mạng ngày càng nở rộ khiến người tiêu dùng - nhất là những người có tài khoản ngân hàng - hoang mang, lo lắng.

Chị Tú Lan (Đống Đa, Hà Nội) nói: "Ngân hàng số rất tiện dụng. Thế nhưng ngày càng thể hiện nhiều mối nguy, có thể khiến khách hàng mất trắng tài sản chỉ trong chớp mắt. Rất nhiều lần tôi nhận được những cuộc điện thoại của người lạ biết rõ thông tin tài khoản ngân hàng của mình, thậm chí là cả thông tin cá nhân từ địa chỉ, tên, tuổi…thì thực sự quá hoang mang. Với thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu, tôi e rằng khó lòng có thể thoát bẫy của chúng. Nên hiện giờ tôi thực sự lo ngại việc sử dụng tài khoản ngân hàng số".

Anh Hoàng Công (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Từ khi thấy tình trạng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng ngày càng tăng, tôi cứ có nhiều tiền trong tài khoản là rút hết ra, nhằm tránh rủi ro". 

Trách nhiệm của ngân hàng ở đâu?

Trước thực trạng trên, không chỉ người dân bức xúc mà các chuyên gia cũng chỉ rõ những bất cập trong quản lý của các ngân hàng.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu quan điểm: “Khó có thể nói là ngân hàng đứng ngoài cuộc, hoàn toàn không liên quan đến tệ nạn này. Hiện ngân hàng nào cũng khuyến khích khách mở tài khoản, mở càng nhiều càng tốt, một người thậm chí có thể có nhiều tài khoản tại một ngân hàng. Như vậy, việc quản lý liệu có dễ dàng, hiệu quả không? Tôi nghĩ rằng ngân hàng phải kiểm soát thật chặt các khách hàng mở tài khoản, yêu cầu phải chính danh và hạn chế mở bừa bãi, mở mà không sử dụng hoặc mở quá nhiều. Ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm tra những điều này".

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hồng Minh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng các vụ việc lừa đảo như trên có thể dễ dàng xảy ra một phần là do sự bất cẩn của các ngân hàng. 

Ngân hàng quản lý không chặt chẽ, nhất là khâu quản lý thông tin cá nhân của khách. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có giải pháp cụ thể nào. Ngân hàng chỉ biết khuyến khích, mời chào khách mở tài khoản giao dịch nhưng không quan tâm đến việc các tài khoản đó có thể bị kẻ xấu sử dụng để chiếm tiền của nạn nhân. Nếu lường trước được thì họ phải cùng nghiên cứu để đưa ra biện pháp hạn chế, không thể chỉ dựa vào cơ quan công an hoặc cảnh báo người tiêu dùng", TS. Minh nói. 

Lừa đảo qua mạng để chiếm tiền ngày càng nở rộ: Trách nhiệm của ngân hàng ở đâu? - 2

Chuyên gia cho rằng, các ngân hàng đang quá dễ dãi trong việc mở và quản lý các tài khoản. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng hiện rất khó để quy trách nhiệm của các ngân hàng trong các vụ lừa đảo như trên. Bởi hầu hết là nạn nhân thường chủ động, tự nguyện chuyển tiền từ tài khoản của mình đến một tài khoản khác sau khi bị thúc ép, đe dọa hoặc dụ dỗ.

Có chăng là ngân hàng phải quản lý kỹ lưỡng hơn hoạt động mở tài khoản, có nhiều bước xác minh xác thực hoạt động của tài khoản nhằm hạn chế hành vi của kẻ xấu. Hay những trường hợp làm giả website, fanpage…của ngân hàng thì họ mới có trách nhiệm phối hợp xử lý”, ông Hiếu nêu ý kiến.

Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật, phân tích, hiện nay, có vô số hình thức lừa đảo qua mạng để đánh cắp tài sản trong ngân hàng của người dân.

Trong đa số trường hợp, ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian giao dịch. Mục đích giao dịch là gì ngân hàng không được biết. Vì vậy, trong trường hợp này ngân hàng không phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ phải phối hợp cung cấp các thông tin khi có yêu cầu của cơ quan điều tra.

Trong trường hợp nếu căn cứ phát hiện ngân hàng để lộ thông tin khách hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm theo Nghị định 117/2018/NĐ-CP. Đồng thời, người bị hại cũng có quyền yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại do việc làm lộ thông tin của khách hàng", luật sư Bình nói.

Theo ông Bình, việc lừa đảo qua mạng có thể được xác định là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lừa đảo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định của điều 174 Bộ Luật hình sự 2015.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời VTC News, đại diện một ngân hàng lớn thông tin: Ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian, mọi thông tin giao dịch giữa các tài khoản là hoàn toàn bảo mật. Việc cảnh báo người dân thông qua tin nhắn hay các hình thức khác cũng là việc của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Theo thông tin chúng tôi biết, có nhiều trường hợp mở tài khoản ngân hàng không nhằm mục đích giao dịch mà để trao đổi tài khoản đó để lấy về các lợi ích khác. Đây là một trong những cách mà kẻ lừa đảo có được trong tay tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Vì thế, ngân hàng càng khó kiểm soát”, vị này thông tin thêm.

Để hạn chế tình trạng bị lừa đảo qua mạng, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng phải rất cẩn trọng với những hoạt động giao dịch hàng hóa thông qua ngân hàng, nâng cao cảnh giác trước mọi quyết định chuyển tiền trực tuyến cho bất kỳ ai. Hơn ai hết, trước khi ngân hàng vào cuộc và được pháp luật bảo vệ thì bản thân người dùng phải tự bảo vệ tài sản của mình. Để lấy lại tài sản bị mất, người bị hại có thể làm đơn Tố giác tội phạm đến Cơ quan Công an nơi bị hại đã chuyển tiền hoặc biết nơi cư trú, làm việc của cá nhân đó.

Cơ quan chức năng cảnh báo kẻ xấu thường lợi dụng công nghệ AI để tạo ra hình ảnh sao chép giọng nói để tạo ra những cuộc gọi giả và lừa tiền người thân, gia đình của tài khoản bị hack. Đặc điểm của những cuộc gọi như vậy thường có tín hiệu không ổn định, hình ảnh không rõ ràng.

Khi gặp những tình huống như vậy, đầu tiên người dân cần bình tĩnh. Sau đó cố gắng xác minh từ những nguồn khác và nên gặp trực tiếp, hoặc tiếp cận nhanh nhất tới hiện trường, địa điểm xảy ra nếu có thể. 

Trường hợp không có căn cứ rõ ràng, người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Công Hiếu

Bài liên quan
ĐH Ngân hàng TP.HCM công bố đề minh họa kỳ thi đánh giá đầu vào
Ngày 3/4, ĐH Ngân hàng TP.HCM công bố đề thi minh họa 7 môn kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trách nhiệm của ngân hàng trong lừa đảo qua mạng