Trách nhiệm người đứng đầu

02/12/2023, 17:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thanh tra nội bộ tại cơ sở GD Đại học có vai trò quan trọng cho công tác quản lý của hiệu trưởng, bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng của thanh tra nội bộ, thời gian qua các trường đại học đã quan tâm xây dựng bộ máy, đội ngũ theo đúng cơ cấu, mô hình đơn vị. Hoạt động thanh tra, kiểm tra bước đầu đi vào nền nếp, góp phần giúp các trường ổn định, kiểm soát chất lượng, quy chế hoạt động, đào tạo, chế độ cán bộ công chức, viên chức.

Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34/2018/QH14) có hiệu lực, tự chủ đại học diễn ra sâu rộng hơn, theo đó vai trò thanh tra nội bộ tại các trường ngày càng quan trọng, khối lượng công việc lớn.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thanh tra nội bộ không chỉ quan tâm đến công tác tuyển sinh, trách nhiệm quản lý của người đứng đầu và cấp phó; việc tự chủ mở ngành, các điều kiện bảo đảm thực hiện ngành, chương trình đào tạo, chất lượng giáo dục; liên kết đào tạo với nước ngoài; đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công, văn bằng chứng chỉ..., mà còn thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Khối lượng và tính chất công việc lớn, phức tạp hơn nhưng đến nay các điều kiện đảm bảo cho hoạt động thanh tra nội bộ cơ sở giáo dục đại học còn tồn tại nhiều khó khăn. Việc thành lập phòng thanh tra trong các trường chưa thống nhất, bất cập. Có nơi có phòng thanh tra, nơi thanh tra gắn với pháp chế hoặc nhiệm vụ chuyên môn khác. Điều này làm mất đi tính độc lập, thiếu khách quan trong hoạt động thanh tra.

Số và chất lượng cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ cũng không tương xứng, chỉ 3 - 5 người/trường, chưa đáp ứng các nhiệm vụ của đơn vị. Chế độ chính sách đãi ngộ đối với người làm công tác thanh tra nội bộ chủ yếu phụ thuộc vào quy chế chi tiêu nội bộ tại cơ sở.

Đặc biệt, chế tài đối với trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức công tác thanh tra nội bộ ở các trường chưa đủ mạnh để có tính răn đe. Thanh tra nội bộ giúp hiệu trưởng quản lý tốt nhưng có nơi người đứng đầu không muốn hoạt động này mạnh lên, nhất là thanh tra một số lĩnh vực nhạy cảm. Đã có tình trạng cán bộ thanh tra đề xuất hoạt động thanh - kiểm tra nhưng lãnh đạo không ra quyết định, nên công tác này không triển khai được.

Vì thế có tình trạng một số trường nhiều năm chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra, hoặc tổ chức kiểm tra mà không có thông báo kết luận; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có cơ sở còn chưa đảm bảo trình tự, thủ tục quy định, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Đến nay, ít có đơn vị nào phát hiện tiêu cực, tham nhũng từ khâu tự kiểm tra.

Ở đâu tổ chức tốt hoạt động thanh tra nội bộ thì ở đó giảm thiểu nhiều rủi ro, hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động chuyên môn, đó là thực tế. Vì thế tăng cường hiệu quả công tác thanh tra nội bộ là việc phải làm tốt trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học, mà đổi mới nội dung và hình thức hoạt động thanh tra nội bộ là yêu cầu cấp thiết.

Không chỉ cần đảm bảo pháp lý cho tổ chức và hoạt động của thiết chế thanh tra nội bộ tương xứng với vị trí của nó; về mặt số lượng, chất lượng đội ngũ đi kèm chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, mà còn đặc biệt nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng đối với nhiệm vụ này. Bởi thực tế cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ có được thực hiện đúng, trúng, phát huy hiệu quả hay không vẫn phụ thuộc đầu tiên vào vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trách nhiệm người đứng đầu