Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) là hoạt động giáo dục bắt buộc. Theo đó, cấp THPT, ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp tập trung hơn vào giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. Thông qua hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp, rèn luyện phẩm chất, năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay còn nhiều hạn chế. Không ít trường chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng. Giáo viên phụ trách hướng nghiệp chủ yếu kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức chuyên môn nên tổ chức giáo dục, tư vấn hướng nghiệp chưa hiệu quả, thiếu chiều sâu. Đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp, kể cả cơ sở vật chất, thời gian và kinh phí còn hạn chế…
Để thực hiện đúng như định nghĩa này trong Luật Giáo dục 2019, điều quan trọng đầu tiên có lẽ là nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phát triển đội ngũ làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường. Cùng đó, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường quản lý giáo dục hướng nghiệp…
Cũng cần nhấn mạnh, hướng nghiệp còn có vai trò không thể thiếu của gia đình. Gia đình thực sự hiểu biết, quan tâm, đồng hành sẽ là yếu tố quan trọng giúp học sinh được hướng nghiệp đúng đắn, kịp thời.