Tranh cãi quan điểm "săn Tây" để luyện tiếng Anh là làm phiền người nước ngoài, nên dừng lại thì hơn!

Đông, | 27/09/2023, 00:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bạn nghĩ sao về quan điểm này khi muốn cải thiện trình độ ngoại ngữ?

Ngày nay, việc học tiếng Anh dường như là điều tối quan trọng đối với nhiều bạn trẻ bởi nó mang lại nhiều cơ hội hơn cho mọi người trong cả học tập lẫn công việc.

Có rất nhiều phương pháp để chúng ta có thể cải thiện khả năng tiếng Anh. Người thì luyện qua phim ảnh, âm nhạc nước ngoài, người lại tập trung học thông qua sách vở… Và cũng có những người thì chọn cách tìm và giao tiếp với người nước ngoài thông qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp bên ngoài. Hoạt động này thường được biết đến với tên gọi “săn Tây”.

Đây là một phương pháp luyện tập tiếng Anh cực kỳ phổ biến vào khoảng thời gian 8-9 năm trước và vẫn khá được yêu thích ở thời điểm hiện tại. Theo quan điểm của nhiều người, việc “săn Tây” có thể giúp các bạn trẻ gia tăng khả năng phản xạ, học cách phát âm chuẩn bản xứ, rèn luyện sự tự tin…

Tranh cãi quan điểm săn Tây để luyện tiếng Anh là làm phiền người nước ngoài, nên dừng lại thì hơn! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mới đây, cư dân mạng lại đang truyền tay nhau một bài đăng trên fanpage Khoa Với Chả Học về chủ đề “Săn Tây, nên dừng lại thì hơn” với những quan điểm trái ngược. Dưới góc nhìn cá nhân, tác giả bài đăng cho rằng “săn Tây” không phải phương pháp thực sự phù hợp để học ngoại ngữ.

Cụ thể, tác giả cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam bởi không phải ai cũng cảm thấy thoải mái với việc khi đang đi du lịch mà đột nhiên có một người lạ mặt đến tiếp cận và trò chuyện xã giao, đặc biệt là đối với những người hướng nội. “Nghĩ thôi đã thấy bực mình” - tác giả bày tỏ.

Đó là chưa kể đến việc một số bạn trẻ nói chuyện với người nước ngoài thường đặt những câu hỏi khá thiếu nhi như “Bạn tên gì?”, “Có vợ/chồng chưa?”, “Đến từ đâu thế”,... khiến đối phương “xịt keo” vì không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân của mình cho một người xa lạ.

“Những người Tây chịu nói chuyện thì chả mấy người thực sự thấy vui với cái cuộc trò chuyện đó. Họ chấp nhận hoặc là do lịch sự, hoặc là không muốn rắc rối. Còn người ‘cứng’ thì họ từ chối thẳng thừng… Nữa là, khách Tây ở Hà Nội không phải ai cũng có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Nói tiếng Anh với người Pháp, Đức,... thì thà tự luyện với nhau còn hơn”, tác giả viết.

Đặc biệt, trái ngược với quan điểm của nhiều người, tác giả bài viết cho rằng việc học tiếng Anh theo kiểu “săn Tây” này hoàn toàn không phải là cách luyện tiếng Anh hiệu quả. Muốn cải thiện trình ngoại ngữ thì các bạn có thể tìm đến các trung tâm tiếng Anh, không thì ở homestay, nếu không quá dư giả thì có thể tham gia các câu lạc bộ giao lưu.

“Những người nước ngoài ở đó được trả tiền để trò chuyện với mình, họ sẽ không khó chịu, hoặc thậm chí họ còn nhiệt tình và có kinh nghiệm, rõ ràng là có ích gấp 10 lần đi săn Tây. Thời xưa còn ít thì trò này có vẻ hay, nhưng khi nó đã nhiều lên rồi thì nó không còn hay ho nữa”, tác giả kết luận.

Tính đến thời điểm hiện tại, bài đăng đã nhận về hơn 25k lượt like và hơn 2,5k lượt bình luận. Liên quan đến bài đăng, netizen cũng chia làm nhiều luồng ý trái chiều. Một số netizen đồng ý với quan điểm của tác giả bởi không phải ai cũng thực sự cởi mở khi phải trò chuyện với người lạ. Hơn nữa, có rất nhiều accent khác nhau như: Anh - Ấn; Anh - Thái; Anh - Hàn… nhưng không phải accent nào cũng có độ chuẩn như Anh - Anh; Anh - Mỹ; Anh - Úc, do vậy nói “săn Tây” có thể cải thiện tiếng Anh là không đúng.

Ngược lại, nhiều người cho rằng quan điểm của tác giả đang khá phiến diện. Được ra ngoài và nói tiếng Anh trên thực tế là một cách tốt để học ngoại ngữ rồi. Thậm chí, nhiều người đã thoát cảnh “mù” tiếng Anh chính nhờ việc “săn Tây”.

Việc “săn Tây” không phải là cách tốt để luyện tiếng Anh

Đối với những người đồng tình với quan điểm này, họ cho rằng có nhiều cách khác để luyện tiếng Anh hiệu quả chứ không chỉ có mỗi việc “săn Tây”. Bởi lẽ, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được một người nói tiếng Anh “chuẩn” bản xứ. Hơn nữa, việc này sẽ khiến một số người nước ngoài cảm thấy khó chịu, vì họ đến Việt Nam để du lịch, chứ không phải là “đối tượng” để người khác thực hành việc sử dụng ngôn ngữ.

- Mình cũng nghĩ đến việc này từ lâu nhưng không dám lên tiếng, may mà có bạn. Mình thấy tỷ lệ “săn” được những người nói tiếng Anh chuẩn khó lắm. Như thế thà tự luyện với nhau còn hơn!

- Thật! Đang đi du lịch tự nhiên bị người khác bắt làm đối tượng để luyện khả năng tiếng Anh, ai chẳng thấy khó chịu.

- Mình hướng ngoại còn thấy khó chịu, huống chi là mấy bạn hướng nội.

- Mình cũng không đồng tình với việc luyện tiếng Anh bằng cách “săn Tây” như này.

- Có nhiều phương pháp để luyện tiếng Anh mà, thích thì mở một video người bản địa nói tiếng Anh lên YouTube lên, rồi nhại lại để học cách họ dùng từ, cách họ phát âm… như thế nào. Mình thấy như vậy còn hiệu quả hơn tỷ lần so với việc đi ra ngoài “săn Tây” nhưng bắt trúng vào các bạn không phải người bản xứ thật sự.

- Hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả, mọi người lên suy nghĩ lại việc học tiếng anh theo kiểu “săn Tây” thế này!

Tranh cãi quan điểm săn Tây để luyện tiếng Anh là làm phiền người nước ngoài, nên dừng lại thì hơn! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đó là quan điểm phiến diện!

Ở chiều hướng ngược lại, nhiều người lại cho rằng quan điểm trên đang khá chủ quan. Không cần biết là người bản xứ “chuẩn” hay như thế nào, nhưng việc được ra ngoài và nói tiếng Anh đã giúp chúng ta phát triển phản xạ và khả năng ngoại ngữ rồi.

- Ngôn ngữ được tạo ra là để giao tiếp, được trò chuyện với người khác đã là cơ hội để học ngoại ngữ rồi.

- Việc “săn Tây” chẳng có gì đáng lên án cả.

- Các bạn cứ lấy quan điểm tiếng Anh bản xứ “chuẩn” này “chuẩn nọ”, nhưng sau này đi làm và phải sử dụng tiếng Anh, các bạn có chắc rằng sẽ 100% nói chuyện với người nói giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ không nhỉ?

- Ý kiến mang tính chủ quan quá cao!

- Bạn đang đưa ra góc nhìn là những người “không cởi mở”, nhưng đối với những người Tây “cởi mở”, họ muốn tiếp xúc gần hơn với văn hóa nước ta bằng cách trò chuyện với người dân bản địa thì sao? Bạn thấy “khó chịu” khi người lạ mặt tiếp cận, nhưng nó không đồng nghĩa với việc tất cả mọi người đều như vậy!

- Mình tham gia dẫn tour free cho người nước ngoài từ hồi đại học để rèn ngoại ngữ và mình xác nhận nó rất hiệu quả nhé, các bạn cứ thử xem phương pháp này có hợp với mình không.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về quan điểm này?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh cãi quan điểm "săn Tây" để luyện tiếng Anh là làm phiền người nước ngoài, nên dừng lại thì hơn!