Tránh chồng chéo quy định tự chủ tổ chức bộ máy, nhân sự

Hiếu Nguyễn | 14/05/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn vướng mắc.

Tránh chồng chéo quy định tự chủ tổ chức bộ máy, nhân sự ảnh 1

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Ảnh: Websites trường

Để tháo gỡ triệt để

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, đây là việc làm cần thiết và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, việc sửa đổi chưa thể tháo gỡ hết khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Lấy ví dụ về vấn đề các cơ sở giáo dục công lập gặp khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, đó là quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự, PGS Võ Văn Minh cho biết: Dự thảo sửa đổi Nghị định 99 điều chỉnh “Điều 13. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học”. Tuy nhiên, dự thảo chỉ bổ sung thêm cụm từ “và pháp luật khác có liên quan” để rõ hơn về mặt văn bản.

Trong thực tế, dù Nghị định 99 quy định “cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”, nhưng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng không thể thực hiện điều gì vượt qua giới hạn “pháp luật khác có liên quan”.

Chia sẻ băn khoăn này, PGS Võ Văn Minh bày tỏ: Thực tế, Nghị định 99 là văn bản pháp lý “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”. Khi sửa đổi, bổ sung cũng chỉ là chi tiết hóa, hướng dẫn cho rõ, còn những vấn đề khác Luật đã quy định mà gặp bất cập thì chỉ có sửa Luật.

Có cùng quan điểm, TS Lê Hồ Sơn qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi Nghị định 99 nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu tập trung vào các quy định liên quan đến thành lập và tổ chức, hoạt động của hội đồng trường.

Để góp phần tháo gỡ triệt để những vướng mắc trong việc thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự nói riêng và quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập nói chung, TS Lê Hồ Sơn cho rằng không thể chỉ dừng lại ở việc sửa đổi Nghị định số 99/2019/NĐ-CP mà cần tiến hành rà soát Luật Giáo dục Đại học, Luật Viên chức, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập.

“Cần phải xác định, cơ sở giáo dục đại học là một loại hình đơn vị sự nghiệp đặc thù; đội ngũ giảng viên trong các đơn vị này cũng là một loại hình viên chức đặc thù (vừa là nhà giáo vừa là nhà khoa học) để từ đó thiết kế một hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp. Cùng đó, có chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc và phát huy tối đa năng lực của họ. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, TS Lê Hồ Sơn nêu ý kiến.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tranh-chong-cheo-quy-dinh-tu-chu-to-chuc-bo-may-nhan-su-post637714.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tranh-chong-cheo-quy-dinh-tu-chu-to-chuc-bo-may-nhan-su-post637714.html
Bài liên quan
Quyết định giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định về việc giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tránh chồng chéo quy định tự chủ tổ chức bộ máy, nhân sự