Trao đổi sinh viên, người học có mặn mà?

23/05/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo được phép trao đổi sinh viên.

Theo đó, người học được đăng ký môn học ở các trường khác nhau để tích lũy tín chỉ. Dù đã có hiệu lực hơn 2 năm, nhưng sinh viên vẫn chưa mặn mà với hình thức này.

Tâm lý chưa sẵn sàng

Dù nhận thấy chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường rất hay và có ý nghĩa nhưng Nguyễn Văn Mùi, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn không hứng thú với việc đăng ký học tập ở trường khác để tích lũy tín chỉ. “Một phần vì tâm lý ngại thay đổi, nên em chưa sẵn sàng. Thứ nữa, khoảng cách địa lý và một số yếu tố khách quan khác nên em chưa tham gia hình thức trao đổi này”, Văn Mùi bộc bạch và cho biết trong lớp cũng chưa có bạn nào đăng ký học tập theo hình thức trao đổi.

Nhóm 7 trường đại học kỹ thuật (Nhóm G7) gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã thực hiện hợp tác và thống nhất ký bản ghi nhớ với nhiều nội dung; trong đó có hợp tác toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin, đến thời điểm này, chưa có sinh viên của trường khác đăng ký đến ĐH Bách khoa Hà Nội để học tập; đồng thời cũng chưa có sinh viên nào của ĐH Bách khoa Hà Nội đăng ký học tập, tích lũy tín chỉ ở cơ sở đào tạo khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, vấn đề chính nằm ở phía người học. Người học chưa có nhu cầu trao đổi, đăng ký học ở trường khác. Có thể các em ngại thay đổi, hoặc khoảng cách địa lý cũng là một trong những rào cản. “Không đơn giản để sinh viên ở Hà Nội vào Đà Nẵng hay TPHCM học tập và ngược lại. Ngoài ra, một số yếu tố như: Văn hóa, giảng viên, bạn bè, gia đình, tài chính... cũng là vấn đề khiến các em phải tính toán….”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền viện dẫn.

Ngoài ra, trên cơ sở Quy chế đào tạo trình độ đại học, Nhóm G7 đã hoàn thiện về mặt pháp lý và tạo điều kiện tối đa cho sinh viên tham gia trao đổi, học tập tích lũy tín chỉ ở trường khác. Chương trình đào tạo, học phí của Nhóm G7 cũng có sự tương thích khi thực hiện trao đổi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sinh viên vẫn chưa mặn mà với hình thức đào tạo này.

Trao đổi sinh viên, người học có mặn mà? ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân học tập trong thư viện. Ảnh: NTCC

Đẩy mạnh trao đổi sinh viên trong nước

Đến thời điểm này, có 3 sinh viên của Học viện Tài chính đăng ký tham gia chương trình trao đổi sinh viên của nhóm 10 trường kinh tế. PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính), cho hay, chương trình do Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 26/6 - 28/7 tại phân hiệu tỉnh Vĩnh Long.

Sinh viên tham gia chương trình được công nhận môn học và tín chỉ tương đương tại 10 trường. Chương trình học tập gồm: Học tập chính khóa, sinh viên tham gia hai học phần trong chương trình đào tạo đại học tại UEH. Bên cạnh đó, người học được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm khác nhằm rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm.

PGS.TS Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, thông tin, theo biên bản thỏa thuận, 10 trường đại học đào tạo về kinh tế có thể tổ chức trao đổi sinh viên/học viên dưới dạng các khóa dài hạn (1 học kỳ tương ứng khoảng 15 tuần). Các khóa ngắn hạn (tương ứng từ 3 - 8 tuần), trước mắt là khóa học hè năm học 2022 - 2023 do UEH tại phân hiệu Vĩnh Long.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình trao đổi giúp người học hiểu đúng và nhận thức đầy đủ về chủ trương này, để ngày càng thu hút đông đảo sinh viên tham gia các khóa đào tạo theo hướng trao đổi”, PGS.TS Trương Thị Thủy nhấn mạnh.

Trước băn khoăn về việc mỗi trường có giáo trình và quy chuẩn khác nhau nên có thể gây khó khăn cho sinh viên, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trao đổi, 10 trường đã điều chỉnh để chương trình đào tạo tương đối gần nhau. Khi sinh viên học trao đổi trong 1 học kỳ (khoảng 3 - 4 môn sẽ có sự tương đồng với môn sẽ học tại trường tiếp nhận).

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhìn nhận, từ trước tới nay, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện việc trao đổi sinh viên với trường quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi người học giữa các trường trong nước chưa nhiều. Do đó, cần khuyến khích và đẩy mạnh hợp nữa hoạt động này.

Hiện nay, quy định về trao đổi sinh viên và hợp tác trong đào tạo được thể hiện trong Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT khá mở và có tính cập nhật để hội nhập. Các cơ sở đào tạo cần tăng cường hợp tác với nhau. “Trên tinh thần đó, đơn vị tiến hành rà soát lại kế hoạch đào tạo của mình để bảo đảm phù hợp với trường cùng hợp tác. Cùng với đó, cần chuẩn bị điều kiện cần và đủ, sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của trường khác tham gia học tập”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Theo Quy chế đào tạo trình độ đại học, các cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định về trao đổi sinh viên. Trên cơ sở đánh giá và công nhận lẫn nhau, sinh viên của cơ sở đào tạo này có thể đăng ký học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác, nếu được hiệu trưởng của hai cơ sở đào tạo đồng ý với số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở đào tạo khác (nếu có) không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trao đổi sinh viên, người học có mặn mà?