Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh được cho là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Đây cũng là lý do Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 25 theo hướng tăng cường vai trò tự chủ lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường.
Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên Bộ GD&ĐT công bố mới đây đáp ứng yêu cầu này. Dự thảo đã chuyển hội đồng lựa chọn sách giáo khoa về cơ sở giáo dục. Sở GD&ĐT chỉ tổng hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố các đầu sách của cơ sở giáo dục chọn.
Trao quyền lớn hơn cho nhà trường, cũng là trao quyền lớn hơn cho đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Quy định tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học (cả giáo viên trong biên chế, hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái, dạy liên trường…) tham gia lựa chọn sách giáo khoa như trong dự thảo cũng cho thấy khía cạnh chuyên môn được đề cao.
Vai trò tự chủ cao hơn luôn đi kèm với trách nhiệm. Từ cán bộ quản lý đến giáo viên sẽ vất vả, mất nhiều công sức, làm việc trách nhiệm hơn để nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa. Đổi lại, nhà trường chọn được bộ sách phù hợp nhất, thầy cô nâng cao chuyên môn, từ đó cải thiện chất lượng dạy học.
Trách nhiệm còn thể hiện ở việc thầy cô bỏ thời gian một cách nghiêm túc để nghiên cứu, góp ý dự thảo Thông tư này. Đóng góp của thầy cô từ mỗi nhà trường là không thể thiếu để Thông tư mới đi vào thực tiễn bảo đảm tính phù hợp, khả thi.