Một số sáng kiến cũng bao gồm kết nối sinh viên tị nạn Ukraine với các lựa chọn học từ xa bằng tiếng Ukraina. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng tuyên bố sẽ cho phép sinh viên Ukraine tiếp cận các cơ sở giáo dục đại học của họ, như Áo, Pháp,
Hungary, Ba Lan, Romania. Những quốc gia này đồng thời đề nghị miễn học phí hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Ví dụ, Vương quốc Anh đang khởi động Đề án Ngôi nhà cho Ukraine. Đề án dành cho các đơn xin thị thực từ người Ukraine được tài trợ.
Những người đến theo chương trình này có thể sống và làm việc ở Vương quốc Anh trong tối đa 3 năm. Họ cũng sẽ được chăm sóc sức khỏe, trợ cấp, hỗ trợ việc làm. Trong khi đó, con của họ sẽ được đi học tại các trường địa phương và học tiếng Anh.
Rào cản ngôn ngữ
Theo UNESCO, một lượng lớn sinh viên tị nạn Ukraine sẽ mang lại những thách thức cụ thể cho các tổ chức giáo dục, như rào cản ngôn ngữ. Giáo viên sẽ cần hỗ trợ để giải quyết vấn đề đó, cũng như cách dần đưa học sinh vào một lớp học thân thiện. Giáo viên cũng cần giải quyết vấn đề làm thế nào để thảo luận về cuộc tấn công của Nga và tình trạng chiến tranh ở quê hương của họ. Đồng thời, tìm cách cung cấp cho người học sự hỗ trợ về văn hóa và tâm lý.
Bên cạnh việc cung cấp tài liệu và đào tạo về cách xử lý rào cản ngôn ngữ do Bộ giáo dục của một số quốc gia cung cấp, các lựa chọn khác bao gồm: Thử nghiệm tài liệu song ngữ, học tiếng Ukraina cơ bản, sử dụng ứng dụng dịch và sử dụng dịch vụ phiên dịch cho các giao tiếp phức tạp hơn.
Ngoài hỗ trợ ngôn ngữ, một biện pháp thường được đề cập trên các trang web của Bộ giáo dục các nước là cung cấp tài liệu và hướng dẫn cho giáo viên về cách thảo luận tới cuộc chiến với học sinh, bao gồm hội thảo trên web và podcast.
Ví dụ, Croatia, Cộng hòa Séc và Slovakia có những cẩm nang về cách bảo vệ sức khỏe tinh thần của học sinh, ngăn ngừa xung đột trong lớp học và nói về các chủ đề nhạy cảm. Thủ đô Paris (Pháp) đã thành lập một “đơn vị xử lý khủng hoảng” Ukraine. Một trong những dịch vụ của tổ chức này là cung cấp cho giáo viên thông tin trực tuyến về cách hỗ trợ những học sinh bị tổn thương.
Khoảng trống chính sách và các nguồn lực sẵn có
Theo UNESCO, thông qua chính sách về cách các quốc gia tổ chức thi cuối kỳ, chuyển đổi tín chỉ trong giáo dục đại học và kiểm định chất lượng giảng dạy, đến nay, có rất ít sự chuẩn bị để giúp đỡ sinh viên Ukraine. Hơn nữa, một số chính phủ đã phát triển các biện pháp tài chính để hỗ trợ đáp ứng giáo dục, như phân bổ ngoài ngân sách. Đó là trường hợp của Pháp, Italy, Ba Lan và Romania. Ví dụ, Italy đã chi 1 triệu euro để đưa sinh viên Ukraine vào các hệ thống giáo dục quốc gia.
Về hỗ trợ tài chính trực tiếp, hầu hết các biện pháp tập trung vào sinh viên học đại học. Ví dụ, Áo đã miễn học phí cho sinh viên đại học Ukraine đang theo học tại các cơ sở giáo dục của nước này. Tại Litva, tùy thuộc vào năng lực của tổ chức, các nghiên cứu của công dân Ukraine sẽ được nhà nước tài trợ. Một số quốc gia cũng đang hỗ trợ ở giai đoạn đầu, như Romania. Tại đây, học sinh Ukraine có thể được ở miễn phí trong các trường nội trú. Người học cũng sẽ nhận được tiền trợ cấp.
Tăng cường đào tạo từ xa
Theo dữ liệu của Viện Thống kê UNESCO, tổng dân số trong độ tuổi đi học của Ukraine là hơn 6,84 triệu, từ cấp giáo dục mầm non đến đại học. Để đáp ứng các nhu cầu trên thực tế, UNESCO đang liên hệ thường xuyên với chính quyền địa phương, tất cả các đối tác liên quan. Qua đó, bảo vệ và khôi phục nền giáo dục trong nước, tập trung vào đào tạo từ xa.
“Phù hợp với các khuyến nghị của UNESCO, Ukraine đã có một hệ thống hiệu quả để đối phó với việc đóng cửa trường học do đại dịch Covid-19, thông qua nền tảng Trường học toàn Ukraine”, trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục Stefania Giannini cho biết. Cũng theo bà Giannini,UNESCO đang làm việc với chính phủ để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu hiện tại.
Trong bối cảnh cuộc xung đột tiếp diễn, dòng người rời Ukraine ngày càng tăng,UNESCO đang áp dụng một cách tiếp cận mở rộng đối với dự án dữ liệu của mình. Dữ liệu và phân tích sẽ diễn ra theo từng đợt với số lượng các quốc gia tăng dần. Nội dung cũng sẽ ngày càng chi tiết. Trong khi đó, các cách lọc và hình dung thông tin ngày càng phát triển.
Dữ liệu cũng sẽ chỉ rõ liệu có quốc gia không thuộc EU nào dựa vào luật hiện hành để tiếp cận giáo dục hay đang ban hành chỉ thị đặc biệt cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Phương pháp này cũng sẽ cho phép các quốc gia sở tại nắm bắt những bước cụ thể để hỗ trợ người học và giáo viên Ukraine, bao gồm cả sinh viên quốc tế đăng ký học tại các cơ sở giáo dục đại học Ukraine.