Vị bác sĩ chia sẻ, dù khói nhang không chứa nicotin như thuốc lá nhưng lại chứa chất rất độc là carbon dioxide. Đáng nói, carbon dioxide kết hợp với hương liệu hóa chất tẩm ướp tạo mùi cho nhang là benzen thì sẽ sản sinh ra một số chất mà về lâu dài có khả năng gây ung thư.
Độc tố của khói nhang sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu đó là loại nhang tẩm hóa chất, không rõ nguồn gốc. Theo bác sĩ Đại, những loại nhang sử dụng nguyên liệu là gỗ trầm, quế... thì sẽ ít gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên ngày nay các nguyên liệu này ngày càng khan hiếm, do đó các cơ sở sản xuất đã sử dụng hóa chất để tạo mùi hương, gây nguy hiểm cho cơ thể.
Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận các bệnh nhân bị hen dị ứng, dấu hiệu khó thở, chóng mặt, buồn nôn... do tiếp xúc quá lâu với khói nhang.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết, dù có nhiều nghiên cứu cho thấy khói nhang gây độc thế nhưng chất độc không quá nghiêm trọng. Nhang nếu mua được các sản phẩm chất lượng tốt, làm từ gỗ trầm, quế, hương bài, long não... thì không gây hại, bởi theo Đông y thì đây là các vị thuốc tạo cảm giác thư thái. Tốt nhất là người dân nên tìm mua nhang ở những cơ sở uy tín.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, trong lúc đốt nhang mà cảm thấy dấu hiệu ho, sặc, khó thở, cay mắt... thì nên thoát khỏi khu vực đó càng sớm càng tốt.
Khi thắp nhang, các gia đình phải luôn mở cửa thoáng để khói không bị tụ lại một chỗ.
Lưu ý rằng không nên thiết kế nơi đốt nhang gần chỗ có người ngủ, nghỉ. Chỉ nên thắp 1-3 cây nhang/ngày.
Trẻ em và người có bệnh về hô hấp, có cơ địa dị ứng nên tránh tiếp xúc với khói nhang.