Triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Linh hoạt tháo gỡ khó khăn

Anh Tú- Hồ Phúc | 23/06/2022, 15:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 23/6, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT tiếp tục bàn thảo nhiều nội dung quan trọng.

Thực tế, việc thiếu hụt lực lượng giáo viên khi thực hiện chương trình GDPT 2018 là chuyện không mới, các địa phương đã xây dựng nhiều chính sách khắc phục như khuyến khích giáo viên đi học văn bằng 2, đào tạo theo đơn đặt hàng. Nhưng theo bà Phạm Thị Hồng Hải- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, Bộ GD&ĐT, các cục, vụ cần có giải pháp tháo gỡ cụ thể chứ không hướng dẫn chung chung bởi mỗi địa phương có đặc thù riêng khác nhau.

Quang cảnh hội nghị ngày 23/6

Linh hoạt để cùng nhau gỡ vướng

Trong hàng loạt các vấn đề cần tháo gỡ trước thềm năm học mới 2022-2023 khi triển khai chương trình GDPT 2018 ở cấp lớp 3, 7, 10, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác mua sắm, đầu tư trang thiết bị phục vụ chương trình, cũng như việc thực hiện bộ tài liệu địa phương theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Bà Phạm Thị Hồng Hải-Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết điều lo lắng nhất chính là việc HĐND tỉnh sắp họp và cho chủ trương cấp kinh phí cho ngành Giáo dục. Nhưng đến thời điểm này Sở vẫn đang rất lúng túng, không biết làm thế nào vì vẫn đang phải chờ Bộ Tài chính đưa các danh mục trang thiết bị giáo dục tối thiểu vào danh mục giá…

“Không làm thì giáo viên có thể sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu và dụng cụ hỗ trợ bài giảng, mà làm thì không biết làm thế nào cho đúng. Vì vậy, rất cần Bộ GD&ĐT hướng dẫn và tháo gỡ. Riêng về tài liệu giáo dục địa phương cũng phức tạp không kém khi phải thực hiện công tác đấu thầu, chọn giá, thẩm định giá… mà hiện giờ các khâu này vẫn khá rối”- bà Hải cho biết.

Thừa nhận việc cần phải có sự linh hoạt trong hoạt động triển khai các hướng dẫn, nghị quyết của ngành đi vào cuộc sống thì mới nhanh chóng tháo gỡ được những khó khăn, ông Cao Xuân Hùng- Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết việc chọn SGK chúng ta đã làm rất tốt; tuy vậy, cung cấp thông tin số lượng các bộ sách cho các NXB để in thì lại gặp khó khăn.

“Hiện UBND tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa, nhưng khi dưới cơ sở đưa lên danh mục và số lượng các bộ sách đã chọn, nhiều bộ sách lại không nằm trong phê duyệt. Vì vậy, buộc phải quay lại cơ sở chọn lại rồi lại trình lên khiến việc chọn sách mất khá nhiều thời gian”- ông Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi tại hội nghị

Trao đổi về các vướng mắc, băn khoăn của lãnh đạo Sở các địa phương trong việc triển khai chương trình GDPT 2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhìn nhận, việc thiếu giáo viên để thực hiện chương trình GDPT 2018 là có, vì vậy các địa phương phải tận dụng từ nguồn giáo viên có sẵn (còn đủ tuổi, trình độ) cho đi học văn bằng hai, đề nghị các trường đại học đào tạo theo địa chỉ.

Theo thứ trưởng, để nhanh chóng giải quyết vấn đề trên, các địa phương cần tạo điều kiện đi học văn bằng hai hoặc học hai môn cho giáo viên đủ điều kiện để nhanh chóng có nguồn lực bổ sung cho chương trình.

Về công tác quy hoạch, sáp nhập các điểm trường lẻ, Thứ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT cũng thống nhất không thể sắp xếp, dồn trường điểm lẻ một cách triệt để bởi độ tuổi học sinh còn phụ thuộc vào cha mẹ, điều kiện chăm sóc nên không thể làm một cách cứng nhắc, gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh.

Thừa nhận điểm nghẽn trong việc chuẩn bị trang thiết bị phục vụ học tập đang nằm ở việc kê khai giá trong việc thực hiện mua sắm thiết bị giáo dục, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hiện Cục Cơ sở vật chất và Bộ GD&ĐT cũng mong muốn hơn lúc nào hết, nhưng vì không thuộc thẩm quyền của Bộ nên mong các địa phương chia sẻ vì thiết bị giáo dục không thuộc danh mục cấp bách như trang thiết bị của ngành y tế.

Trao đổi thêm về việc triển khai chương trình GDPT 2018, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng các địa phương ngoài việc làm tốt quy hoạch, sắp xếp quy hoạch trường lớp tốt hơn thì còn phải quan tâm nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ, thu hút giáo viên. Bởi hiện nay, rất nhiều địa phương đang phải đối mặt với sĩ số học sinh/lớp còn cao, gây áp lực lớn cho giáo viên.

Giáo viên, những người đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thành công chương trình GDPT 2018

“Hơn ai hết chúng ta phải nhận thức sâu sắc về việc đổi mới giáo dục phổ thông lần này nên các địa phương cần quán triệt sâu sắc, truyền thông hiệu quả để giáo viên hiểu hơn khi thực hiện. Chăm lo đội ngũ, tập huấn cho giáo viên từ modul 1-9 cần phải được làm thật kỹ.

Tôi đề nghị các giám đốc Sở GD&ĐT các địa phương cần rà soát xem đã tập huấn đầy đủ cho giáo viên chưa. Nếu chưa thì cần phải nhanh chóng triển khai công tác tập huấn dựa trên nguồn lực hỗ trợ từ địa phương.

Các đồng chí giám đốc Sở GD&ĐT cần thực hiện việc kiểm tra các trường học, đơn vị hiện nay xem thiết bị giáo dục về đến kho có ra lớp hay không? “Thiết bị về trường mà không ra lớp” đây là điều tuyệt đối nên tránh… để không bị lãng phí”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-linh-hoat-thao-go-kho-khan-2EboJO37g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-linh-hoat-thao-go-kho-khan-2EboJO37g.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Linh hoạt tháo gỡ khó khăn