Triển khai hoạt động trồng cây trung hoà Carbon

29/11/2022, 21:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Hoạt động trồng cây để trung hòa Carbon.

Theo đó, báo Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Hoạt động trồng cây để trung hòa Carbon hướng đến Net Zero giai đoạn 2023 – 2027.  

bao-tn-mt-vinamilk-chinh-thuc-ky-hop-tac-trien-khai-hoat-dong-trong-cay-trung-hoa-carbon-huong-den-net-zero-giai-doan-2023-2027.-1-.jpg

Hoạt động nhằm hưởng ứng và mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm và cân bằng carbon trong không khí. Đồng thời, tăng độ che phủ rừng trên cả nước và hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân. Ngoài trồng cây, hai bên cũng sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động bên lề khác nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, về tầm quan trọng của cây xanh trong việc giảm thiểu lượng khí CO2 trong khí quyển, từ đó thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng, ứng xử thân thiện với môi trường, sống xanh và chan hòa với thiên nhiên, vì một môi trường sống trong lành, an toàn và bền vững.

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon, hướng đến Net Zero là dự án hợp tác ý nghĩa giữa Báo Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), được quản lý, giám sát một cách hệ thống, bài bản và chuyên nghiệp từ khâu khảo sát, đánh giá tiền khả thi đến khâu lập kế hoạch trồng chi tiết, lên phương án chăm sóc và bảo vệ cây, lập báo cáo phân tích và đo đạc số liệu về lượng khí CO2 được hấp thụ, kiểm kê khí nhà kính… Hoạt động được kỳ vọng tạo ra những cánh rừng, những khu vực trồng cây xanh rộng lớn mang dấu ấn riêng của Vinamilk và Báo Tài nguyên và Môi trường”.

Nhiều quốc gia và tổ chức môi trường đã xác định trồng rừng, trồng thêm cây xanh là giải pháp hiệu quả và cấp thiết để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Tại Việt Nam, trồng thêm cây xanh, trồng rừng cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện cảnh quan, nâng cao chất lượng sống cho người dân và hướng đến phát triển bền vững.

Để giảm nhanh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có khí carbon dioxide (CO2) thì trồng cây được xem là giải pháp cấp thiết được nhiều quốc gia triển khai. Với đặc tính sinh trưởng tự nhiên, cây xanh có khả năng hấp thụ lượng lớn khí CO2 qua quá trình quang hợp. Ngoài CO2, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại khác từ không khí như SO2, Clo, NH3, HCL,… Bên cạnh đó, cây xanh còn có thể hấp thụ, chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước.

Phát biểu tại Lễ ký kết, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến, cam kết của Báo Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam trong việc trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero giai đoạn 2023 – 2027.

Thứ trưởng tin tưởng rằng, với những định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, Ngành, các cấp chính quyền, sự chung tay hành động của mỗi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu rõ nét, cụ thể về việc trồng cây thích ứng với biến đổi khí hậu, để trung hòa carbon hướng đến Net Zero. Từ đóm góp phần chung tay và hưởng ứng các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại các Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc.  

Bài liên quan
Giáo viên, học sinh thành phố Hà Tĩnh ra quân trồng cây xanh
Sáng 8/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh ra quân trồng cây hưởng ứng chương trình phát triển 100.000 cây xanh đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai hoạt động trồng cây trung hoà Carbon