Ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết, Phòng GD&ĐT và các cơ quan giáo dục trên địa bàn luôn chú trọng triển khai công tác viết SKKN hàng năm đến từng cán bộ, giáo viên. Mỗi năm, số lượng SKKN được công nhận bậc 3 cấp cơ sở trên toàn huyện có khoảng gần 400. Trong đó, số đạt tiêu chí, yêu cầu dao động từ 20 - 25%.
Ảnh minh họa ITN. |
Chia sẻ cách làm của Trường THCS Quản Cơ Thành để có nhiều SKKN đạt chất lượng, cô Lê Thị Ngọc Dung cho biết, nhà trường đặt ra các tiêu chí cụ thể như: Chú trọng sáng kiến có áp dụng thực tế đạt hiệu quả ở đơn vị; sáng kiến mới lạ, có giải pháp sáng tạo trong cách làm.
Ví dụ, SKKN trong công tác chủ nhiệm, quá trình quản lý học sinh, giáo viên có giải pháp hạn chế học sinh bỏ học, giáo dục học sinh cá biệt... Trong chuyên môn là các giải pháp giáo dục hữu ích, rèn luyện học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém ở từng môn học qua kinh nghiệm thực dạy trên lớp…
Điều đáng lưu ý, kết quả đạt được qua quá trình trải nghiệm năm sau phải cao hơn năm trước. Các phương pháp thực hiện phải đầu tư kỹ, trình bày rõ ràng, dễ hiểu... Từ việc chú trọng các yếu tố thực, giáo viên luôn cố gắng đầu tư và lấy kết quả thực tế làm minh chứng, hiệu quả đạt được càng cao. Ngoài ra, nhà trường tư vấn cho các tổ chuyên môn thực hiện chia sẻ kinh nghiệm từ các sản phẩm đạt được để đồng nghiệp học tập.
Với Trường THPT Trần Đại Nghĩa, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ kinh nghiệm: Việc triển khai đăng kí viết SKKN hàng năm sớm; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên được tuyên truyền đến từng cán bộ, giáo viên nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ. Cùng với đó, cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn do các cấp tổ chức và tổ chức triển khai lại cho đội ngũ.
Tổ chức rút kinh nghiệm sau khi chấm cấp trường. Có chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên tích cực viết SKKN phù hợp với vấn đề, thách thức đặt ra tại trường; hỗ trợ hoàn thiện các SKKN cấp trường, đề nghị chấm cấp sở GD&ĐT.
Ở góc độ quản lý cao hơn, quyền Trưởng phòng Phạm Viết Phúc cho biết, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn cũng nỗ lực triển khai các văn bản thực hiện viết SKKN thường xuyên, kịp thời; định hướng viết xuất phát những nội dung nhỏ nhặt nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giáo viên. Đó là những tích lũy chuyên môn, bài học kinh nghiệm từ thực tế giảng dạy… để phát triển thành SKKN.
Cách để nâng cao chất lượng SKKN toàn ngành được ông Ngô Văn Hiền chia sẻ: Phòng GD&ĐT Văn Quan tiếp tục tổ chức tập huấn sáng kiến cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường; gắn việc viết sáng kiến với bình xét thi đua cuối năm. Chỉ đạo nhà trường tạo điều kiện, tổ chức cho giáo viên đăng ký, áp dụng từ đầu năm học. Tổ chuyên môn hỗ trợ giáo viên thực hiện sáng kiến. Nhân rộng điển hình tiên tiến, chia sẻ các sáng kiến có hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng và cơ sở dữ liệu của ngành.