Sau khoa thi năm 1736, có tới gần 20 kỳ thi Đại khoa dưới triều Lê trung hưng, song không có ai đỗ Trạng nguyên. Đến triều Nguyễn, các kỳ thi Đại khoa tiếp tục được tiến hành nhưng không lấy được Trạng nguyên vì văn chương phải toàn bích “mười phân vẹn mười”. Bởi vậy, Trịnh Tuệ được xem là vị Trạng nguyên cuối cùng của lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam.
Thần đồng xứ Thanh
Trịnh Tuệ (1704 - ?) quê ở Biện Thượng, nay là xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa), nhưng trú quán tại xã Bất Quần, tức xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương. Tên khai sinh của ông là Trịnh Huệ (sau đổi thành Trịnh Tuệ vì tên trùng với vợ Trịnh Sâm là Tuyên phi Trịnh Đặng Thị Huệ).
Theo các nguồn sử liệu, Trịnh Tuệ là dòng dõi chúa Trịnh, song gia cảnh gia đình rất nghèo, đến đời bố ông đã chuyển nơi sinh sống về vùng đất của huyện Quảng Xương để lập nghiệp. Ban đầu gia đình ông ở bãi Cồn Thần, nay là phần đất của hai trường THCS Nguyễn Du và trường THPT Quảng Xương I.
Sau vì điều kiện sinh sống càng khó khăn hơn nên gia đình tiếp tục chuyển về làng Ngọc Am, xã Bất Quần để sinh sống. Tại vùng đất này, ông cụ đã kết duyên với một thôn nữ đẹp người, đẹp nết và sinh ra Trịnh Tuệ.
Theo “Kim Giám thực lục” (1802) và “Kim Giám tục biên” (1869), thì Trịnh Tuệ là cháu 5 đời của chúa Trịnh Tùng, thuộc dòng của Thuần Nghĩa công Trịnh Dương. Gia đình ông đều có những người đỗ đạt. Anh ruột là Trịnh Côn và các con là Trịnh Đức, Trịnh Sa đều đỗ hương cống và làm quan dưới triều Lê - Trịnh.
Tương truyền, từ nhỏ Trịnh Tuệ đã là thần đồng nổi tiếng thông minh khắp xứ Thanh. Lớn lên ông dốc sức học tập dùi mài kinh sử mong chiếm được bảng vàng. Dân gian truyền nhau rằng, Trịnh Tuệ có tài liếc mắt qua một lượt đã thuộc ngay mười hàng chữ, hàng chục năm sau vẫn có thể đọc lại vanh vách.
Vào năm Bảo Thái thứ tư đời vua Lê Dụ Tông (1723), Trịnh Tuệ thi Hương đỗ Tứ trường, được chúa Trịnh Giang mời vào phủ Tôn Nhân bổ nhiệm chức Phó Tri hình phiên.
Đến khoa Bính Thìn (1736), ông đỗ đầu thi Hội. Vào thi Đình ông đỗ luôn Trạng nguyên. Trên Bia Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hữu năm thứ 2 (1736) ở Văn Miếu - Hà Nội, trong đó ghi rõ: Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh: Trịnh Huệ, làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, trú quán xã Bất Quần, huyện Quảng Xương... Ra lệnh khắc tên vào đá để truyền mãi mai sau.
Thông tuệ xứng Trạng nguyên
Sau đó, Trịnh Tuệ nhanh chóng được phong Đông các đại học sĩ, rồi lên tới chức Tham tụng Thượng thư bộ Hình (tước Quận Công). Vài năm sau lại được thăng chức Tham tụng - một chức quan ngang tể tướng trong triều.
Trịnh Huệ nổi tiếng là người thông minh, đỗ đạt cao và được trọng dụng là điều tất yếu. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, việc gian lận trong thi cử ngày càng trầm trọng đến mức triều đình phải tổ chức thi lại cuộc thi Hương năm 1726. Nhiều người chạy theo hư danh, lấy tiền để mua quan bán chức. Từ năm 1730, trong các kỳ thi Hương ai nộp ba quan tiền thì miễn khảo hạch coi như đỗ sinh đồ (tú tài). Khoa cử mất đi kỷ cương, thế nên nhân tài cũng dần vắng bóng.
Cũng chính vì đường quan lộ của Trịnh Tuệ thăng tiến nhanh, ông lại là con cháu chúa Trịnh. Thế nên, có nhiều dị nghị đố kỵ khi cho rằng ông được thiên vị nên mới đỗ Trạng nguyên.
Trước đó, trong khoa thi Hội mà Trịnh Tuệ dự thi do một người họ Trịnh là Trịnh Diễm làm chủ khảo, đến khi thi Đình lại xảy ra một sự thay đổi khác so với những khoa thi trước. Đó là việc các thí sinh thay vì vào sân rồng để vua Lê vấn thi thì lại vào sân chúa để chúa Trịnh Giang hỏi thi.
Theo sử sách ghi chép, thì việc đổi thay nói trên là do Hoàng Công Phụ - viên quan trong triều đình được chúa yêu, lại chơi thân với ông Trịnh Tuệ, bày đặt ra. Do đó dư luận dị nghị cho rằng Trịnh Huệ không có tài mà là do có dòng dõi nhà chúa nên mới được lấy đỗ Trạng.
Trước những lời dị nghị, Trịnh Tuệ bực tức nói với mọi người rằng: “Tôi đỗ nhất Tam khôi mà lại nói là Vương phủ thiên vị thì còn gì gọi là văn chương nữa. Nay để khỏi nghi ngờ, trong triều ngoài nội ai có câu hỏi gì khó ở bất cứ sách vở nào về kinh sử, tả truyện, ý nho, lý số thì đem đến tôi xin trả lời hết!”.
Nhiều người sau đó đến hỏi đều đã được ông giải đáp. Riêng có một phụ nữ nêu ý kiến: “Chiếc đũa là vật thiêng không có chân, lúc thì gãy, lúc thì mất. Vậy nó chạy đi đâu, ở trong kinh điển nào?”. Trịnh Tuệ mỉm cười, đọc hai câu thơ của Lê Thánh Tông: Trời còn giành để An Nam mượn/ Vạch chước binh Ngô mãi mới vừa.
Rồi ông nói tiếp: “Đó chẳng phải là câu thơ của Lê Thánh Tông bản Triều Vịnh núi Chiếc Đũa, nơi khởi phát đế nghiệp mở ra công cuộc bình Ngô của nước ta hay sao? Núi Chiếc Đũa không có chân mà chạy về gốc đấy”.
Mọi người đều bái phục ông thông minh và hiểu biết rộng. Quả ở Thanh Hóa, nơi cửa biển Thần Phú (nay thuộc địa phận làng Văn Đức, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn) có ngọn núi đứng một mình tên chữ là Chính Trợ Sơn, gọi nôm là núi Chiếc Đũa, đã có tên trong sách vở. Ngọn núi có hình thù giống như chiếc cọc cắm giữa biển làm cột mốc cho thuyền bè qua lại. Từ xưa, các vua chúa qua đây đều có thơ đề vịnh, ca ngợi cảnh đẹp của phong cảnh nơi đây.
Ví như Thiên Nam động chủ (Lê Thánh Tông) thế kỷ 15, Thượng Dương động chủ (Lê Hiến Tông) đầu thế kỷ 16, Nhật Nam nguyên chủ (Trịnh Sâm) thế kỷ 18. Có lẽ người phụ nữ hỏi về núi Chiếc Đũa nhằm thử Trạng nguyên Trịnh Tuệ kiến thức có thật sâu rộng không, cả kiến thức sách vở và kiến thức thực tế về núi Chiếc Đũa ở ngay tại quê hương ông.
Quan Tế Tửu về quê dạy học
Theo sử chép năm 1740, chúa Trịnh Doanh đã nghi ông về phe với Hoàng Công Phụ để làm phản, gây loạn trong triều. Thế nên bắt giam ông vào ngục để điều tra.
Hoàng Công Phụ vốn là thái giám nhưng lại được chúa Trịnh Giang tin dùng. Khi hoạn quan trong triều ra sức thao túng triều đình thì Trịnh Giang chỉ chú tâm ăn chơi vô độ, bỏ bê việc triều chính, quyền hành dần nằm trong tay Thái giám Hoàng Công Phụ.
Trịnh Giang cho xây nhiều cung quán như Hồ Thiên, Hành cung Quế Trạo, Từ Dương, phủ đệ ở các làng ngoại Tử Dương, Mi Thử. Việc vui chơi xây dựng các cung quan khiến quốc khố cạn kiệt. Trịnh Giang tăng các khoản thuế đồng thời bắt dân lao dịch nặng nề, khiến lòng người oán thán.
Sau 10 năm ở ngôi Trịnh Giang bị sét đánh gần chết, rồi mắc bệnh “kinh quý” – tinh thần bất định, hay hoảng hốt sợ hãi. Liên hệ với việc Trịnh Giang dâm dục vô độ, thậm chí phạm tới cả cung nữ của cha, bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ cho rằng là bị ác báo: “Đấy là vì dâm dục mà bị ác báo. Muốn không bị hại chỉ có cách là trốn xuống đất.” (Theo “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”).
Sau đó bọn hoạn quan cho đào đất xây hầm cho chúa ở gọi là cung Thưởng Trì. Từ đó Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm này không dám ra ngoài. Hoạn quan Hoàng Công Phụ càng được dịp tác oai tác quái.
Chúa đã ở hẳn dưới hầm, không còn biết việc triều chính, các quan muốn Trịnh Doanh (em của Trịnh Giang) lên thay, nhưng Hoàng Công Phụ ngăn trở nên không làm được gì.
Trước tình cảnh Đàng Ngoài suy thoái bởi Trịnh Giang, Trịnh Thái phi Vũ thị cho tập hợp các quan văn võ nhằm đưa Trịnh Doanh lên ngôi Chúa. Nhân lúc Hoàng Công Phụ đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, ở trong triều các quan đồng loạt đưa Trịnh Doanh lên ngôi, bọn hoạn quan chống lại đều bị diệt sạch.
Khi Trạng nguyên Trịnh Tuệ qua đời, các học trò đã xây dựng nhà thờ để tưởng nhớ thầy. Khi làm đốc học ở Thanh Hóa, nhà bác học Lê Quý Đôn đã đến thăm đền thờ Trịnh Tuệ và quyên góp tiền sửa chữa, khắc biển treo trước đền là “Trạng nguyên từ”.
Năm 1741, chúa Trịnh Doanh xét thấy Trạng nguyên Trịnh Tuệ bị oan nên đã tha bổng và bổ nhiệm ông làm Tế Tửu Quốc Tử Giám. Sau thời gian đào tạo nhân tài tại Quốc Tử Giám, khi giã từ quan trường Trịnh Tuệ trở về quê mở lớp dạy học cho người dân trong vùng. Ông đã bỏ tiền thuê người xây dựng một căn nhà nhỏ để hằng ngày người dân tới học chữ mà không phân biệt giàu nghèo, già trẻ gái trai. Miễn ai có tinh thần học tập là ông dạy miễn phí.
Trải qua thời gian, hiện ngôi nhà năm xưa của Trạng nguyên Trịnh Huệ không còn nữa. Tại vị trí dựng lớp học xưa kia, người dân thay thế bằng chùa Voi. Phía bên cạnh chùa vẫn còn hai chiếc cột đá - là vật dụng năm xưa Trịnh Huệ dùng để treo kẻng gõ tập hợp học sinh đến lớp học.