Gia đình ba đời đỗ Trạng nguyên hiếm có trong sử Việt

Trần Hoà | 25/05/2022, 08:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ba đời ông – con – cháu đều đỗ Trạng nguyên, đó là trường hợp duy nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến nước ta.

Nhà thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc được công nhận là Di tích cấp quốc gia từ năm 1991.Nhà thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc được công nhận là Di tích cấp quốc gia từ năm 1991.

Mặc dù, Bạch Liêu là người khai khoa Trạng nguyên của mảnh đất xứ Nghệ, nhưng gia đình Hồ Tông Thốc lại nổi danh bởi ba đời đỗ Trạng. Vì thế mà có câu ca: Một nhà ba Trạng nguyên ngồi/ Một gương từ mẫu mấy đời soi chung, hay: Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà.

Đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử


Trường THCS Hồ Tông Thốc tại Yên Thành (Nghệ An).

Hàng năm vào ngày 9 - 10 tháng Giêng, dòng họ Hồ ở xã Thọ Thành (Yên Thành - Nghệ An) lại tổ chức lễ hội đền thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc để tưởng nhớ về cội nguồn của mình. Trên quê hương Thọ Thành, hiện có một ngôi trường mang tên Hồ Tông Thốc để ghi ơn tài năng của bậc Trạng nguyên xưa.

Năm 1341, Hồ Tông Thốc thi đỗ Trạng nguyên khi mới 17 tuổi, mở đầu cho khoa bảng rực rỡ của một thế gia vọng tộc, nhiều người đỗ đạt cao nổi tiếng đất Việt.

Theo gia phả họ Hồ tam công, Hồ Tông Thốc sinh năm Giáp Tý (1324), tại Gò Tràm – thời Trần gọi là Kẻ Cuồi hay Trang Cuồi, thuộc xã Quỳ Trạch, tổng Quỳ Trạch, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành.

Thuở thơ ấu Hồ Tông Thốc có tên là Hồ Giác Thiết và một tên khác nữa là Hồ Tông Xác. Ông nội của Hồ Tông Thốc là cụ Hồ Kha - cháu đời thứ 13 của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.

Hồ Tông Thốc vốn thông minh lại được sống trong một dòng dõi thế phiệt, ông có tài năng từ thuở nhỏ. Sách “Cương mục” viết rằng: “Thốc tuổi trẻ đỗ sớm, nổi tiếng về văn học”. “Hồ gia thế phả” cho biết, lúc bé, ông ở làng, sau ra du học tại xã Võ Ngại thuộc huyện Đường Hào (Hải Dương).

Khoa Tân Tỵ (1341) đời vua Trần Hiến Tông, Hồ Tông Thốc vừa tròn 17 tuổi dự thi Đình và đỗ Trạng nguyên với bài văn được lưu truyền khắp nước. Sau khi đỗ, ông được bổ nhiệm làm Trung Thư Lệnh, và trải qua các chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ, kiêm Thẩm Hình viện sứ.

Là người có học vấn uyên bác, giỏi thơ văn, có tài ứng đối linh hoạt, ông thường được vua Trần cử giao thiệp với các sứ thần nước ngoài và nhiều lần đi sứ Trung Quốc. Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa danh xưng Việt Nam với ý nghĩa là Quốc hiệu và ghi tên nước Việt Nam vào bộ sử nước nhà do ông soạn thảo. Ông cũng là người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời đại Hồng Bàng – cũng tức thời đại Hùng Vương, và mối quan hệ giữa huyền thoại và lịch sử.

Sử thần Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” bàn về sách “Việt sử cương mục” của Hồ Tông Thốc: Riêng có bộ “Việt sử cương mục” của Hồ Tông Thốc làm là ghi chép thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà, cũng gần hy vọng được. Nhưng sau cơn binh lửa, sách ấy không truyền.


Nhiều lần đi sứ, Hồ Tông Thốc đã để lại những giai thoại văn chương “vô tiền khoáng hậu”. Ảnh minh họa: IT.

Làm thơ khiến quỷ thần phải sợ

Giai thoại kể rằng, vào dịp Tết Nguyên Tiêu có một vị quan lớn họ Lê treo đèn, đặt tiệc, mời văn nhân đến nhà bình thơ. Khách văn chương kéo đến tấp nập, những người nổi tiếng về văn thơ đều có mặt.

Hồ Tông Thốc bấy giờ còn nhỏ nhưng cũng đến dự. Khi đề vừa đưa ra, ông làm liên tiếp 100 bài thơ, trong khi mọi người vẫn còn suy nghĩ chưa ra. Đến khi bình, cả trăm bài thơ ấy đều rất hay, không bài nào kém bài nào. Tất cả đều vượt trội so với những bài khác. Từ đó, tiếng tăm Hồ Tông Thốc vang danh khắp vùng, giới văn nhân ai cũng phải phục.

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Hồ Tông Thốc được vua tin dùng, thường triệu kiến ông ra tiếp sứ, sau lại phái dẫn đoàn sứ bộ sang Trung Quốc. Sách “Văn đàn bảo giám” cho biết, trong chuyến đi sứ nhà Nguyên, thuyền của đoàn sứ bộ nước ta trên sông Ô Giang, qua miếu thờ Hạng Vũ (chiến thần nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, tranh nghiệp đế với Lưu Bang). Nơi đây, ai mà không đốt hương và vàng mã thì không thể đi qua. Riêng Hồ Tông Thốc cho thuyền đi thẳng.

Lúc sau, trời nổi gió to, mặt sông sóng lớn. Hồ Tông Thốc bình thản đứng trước mũi thuyền đọc thơ: Chẳng phải vua chẳng phải tôi/ Bên sông miếu mạo để thờ ai/ Giang Đông ngày ấy còn chê nhỏ/ Tiền giấy nay sao lại cố đòi?

Ý bài thơ là Hạng Vũ là tôi nước Sở nhưng quyền uy át vua nhỏ. Lúc đánh thua Lưu Bang có người khuyên ông nên đến Giang Đông để chiêu mộ binh sĩ quay lại tranh thiên hạ với Lưu Bang nhưng ông chê Giang Đông đất hẹp, người thưa khó lập đại nghiệp nên ông quay ra tử chiến với Lưu Bang và bị chết, hành động ấy không phải hành động của người trượng phu.

Hồ Tông Thốc ngâm xong tự nhiên gió lặng sóng yên. Kể từ đó, người ta cho biết miếu mất thiêng, thuyền bè qua lại không phải đốt vàng mã lễ bái nữa. Sau đó, Hồ Tông Thốc đến thăm đền thờ Hạng Vũ và có làm bài thơ ca ngợi tính dũng cảm thiện chiến của ông.

Tài năng của Hồ Tông Thốc còn được biểu hiện qua việc sửa thơ Vương Bột - người được tôn là thi bá của Trung Quốc. Chuyện kể rằng, đô đốc Hồng Châu muốn khoe tài văn chương của chàng rể nên mở hội thơ và bảo con rể làm bài “Tựa gác Đằng Vương”, sau đó mới mời khách hạ bút.

Khi mọi người còn do dự, Vương Bột cầm bút hạ ngay bốn câu. Trong đó có hai câu được coi là tuyệt cú: Lạc hà dự cô vụ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc - nghĩa là: Ráng chiều với cánh cò cô độc cùng bay/ Làn nước thu với bầu trời một màu.

Nhiều năm sau, khi Vương Bột qua đời, người Trung Quốc vẫn thường ngâm hai câu thơ ấy trên mộ ông. Hồ Tông Thốc nghe chuyện ấy, liền nói: “Có gì mà tuyệt cú! Câu nào cũng thừa một chữ. Đã “dự” sao còn “tề”, đã “cộng” sao còn “nhất”?”.

Mọi người vẫn chưa hiểu, ông giải thích: Trong chữ Hán, chữ “dự” với chữ “tề” và chữ “cộng” với chữ “nhất” có nghĩa tương đương nhau. Từ đó, người dân trong vùng không còn ai nghe tiếng ngâm thơ trên mộ Vương Bột nữa.


Hồ Tông Thốc cùng con là Hồ Tông Đốn và cháu nội là Hồ Tông Thành đều đỗ Trạng nguyên. Ảnh minh họa.

Hổ phụ sinh hổ tử

Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông trở về lấy cô con gái quan thị lang làm vợ và sinh hạ nhiều nhân tài kế tiếp. Con trai của Hồ Tông Thốc là Hồ Tông Đốn và cháu nội là Hồ Tông Thành (con trai của Hồ Tông Đốn) cũng đỗ Trạng nguyên.

Người đương thời ca ngợi gia đình Hồ Tông Thốc là “Lũy thế phương danh chiêu Nhạn Tháp/Nhất gia thịnh sự ích Long Môn” và “Phụ Trạng nguyên, tử diệc Trạng nguyên” - ý nói cha con nhiều đời kế tiếp nhau đỗ Trạng.

Về việc ba thế hệ ông - con - cháu liên tiếp đỗ Trạng nguyên, được nhiều sách, nhiều đời nhắc đến. Tuy vậy, trong “Đăng khoa lục” và các bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại không ghi danh. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, vì họ là Trại Trạng nguyên - không phải là Kinh Trạng nguyên nên không được khắc tên trên bia Văn Miếu. Tuy nhiên, ý kiến này không thỏa đáng vì năm 1266 đời vua Trần Thánh Tông – Bạch Liêu đỗ Trại Trạng  nguyên và vẫn có tên trên bia Tiến sĩ.

Bởi vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng cần bổ sung thêm vào các tư liệu chính thống. Vừa để tôn vinh một sự kiện hiếm có của lịch sử khoa bảng thời phong kiến. Đồng thời, là cách để khẳng định tính chính danh để thế hệ sau biết đến như một minh chứng của truyền thống khoa bảng.


Lễ hội tại đền thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc.

Sau ba đời Trạng nguyên, họ Hồ thời sau cũng liên tục xuất hiện nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng: Hồ Bỉnh Quốc làm đến chức Thị lang, Hồ Sĩ Dương làm đến Thượng thư, Hồ Phi Tích giữ chức Thượng thư, Hồ Sĩ Tân chức Thị chế, Hồ Sĩ Đống chức Thượng thư...

Hồ Tông Thốc tuy chung nguồn gốc dòng tộc với Hồ Quý Ly nhưng có quan điểm khác nhau về vận nước, về việc phò tá vua. Từ năm 1388, nhất là sau khi biết Hồ Quý Ly xúi Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông bức tử vua Trần Phế Đế, cùng sự kiện Hồ Quý Ly giết hại hàng trăm tôn thất nhà Trần nên ông đã muốn xin nghỉ.

Đến năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, Hồ Tông Thốc lấy lý do tuổi già sức yếu cáo quan về quê Kẻ Cuồi và mất tại đây năm Giáp Thân (1404), thọ 80 tuổi.

Ngoài tài năng xuất chúng về thơ văn, ngoại giao, Hồ Tông Thốc còn là một nhà sử học lớn. Cùng với bộ “Việt sử cương mục”, ông còn viết bộ “Việt Nam thế chí” gồm 2 tập chép 18 đời vua Hùng và thế phả họ Triệu.

Ông cũng là tác giả các tập sách: An Đăng báo ân viện bí minh, Thảo Nhàn hiệu tần thi tập, Phú học chí nam. Tiếc rằng, những tập sách này đã bị nhà Minh tịch thu đem về Kim Lăng trong thời kỳ đô hộ nước ta, nay không còn nữa. May mắn là, gia phả họ Hồ ở Thái Nhã và các tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, “Hoàng Việt thi tuyển” của Bùi Huy Bích… còn chép được một số bài thơ của ông.

Bài liên quan
Trạng nguyên tiếng Việt: 6 em trường Vân Phú - Việt Trì lọt tốp 20 Quốc gia
(GDTD) - 6 học sinh khối 4 Trường Tiểu học Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ có tên tronh danh sách 20 học sinh xuất sắc cấp quốc gia tại Cuộc thi Trạng nguyên tiếng Việt năm học 2020-2021.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia đình ba đời đỗ Trạng nguyên hiếm có trong sử Việt