Nhiều chuyên ngành về kỹ thuật truyền thống và quản trị tại các trường đại học Trung Quốc sẽ bị xoá sổ từ năm nay.
Điều này tạo nên nhiều tranh cãi từ phía các chuyên gia giáo dục tại Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc kêu gọi các trường đại học điều chỉnh quy mô và tái tổ chức các chương trình đào tạo nhằm giải quyết bài toán kinh tế. Theo đó, nước này đặt mục tiêu điều chỉnh 20% chương trình đào tạo đại học trên cả nước từ năm 2025 và phân bổ lại việc giảng dạy các ngành học thuật.
Các trường sẽ tập trung xây dựng các ngành học phù hợp với lĩnh vực công nghệ, kinh doanh trong thời đại mới và loại bỏ các bằng cấp không phù hợp hoặc không có tính ứng dụng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ủng hộ quyết định của chính phủ, 19 trường đại học tại Trung Quốc dự kiến tạm hoãn đào tạo hoặc xóa sổ 99 ngành học trong năm nay.
Tạp chí khoa học Trung Quốc ScienceNet.cn thống kê ngành kỹ thuật truyền thống chiếm tới 31% trong số các chương trình học bị huỷ bỏ, theo sau đó là nhóm ngành quản trị và khoa học. Mặc dù, các ngành này đều đạt tỷ lệ việc làm sau đại học cao, hầu hết sinh viên tốt nghiệp có mức lương, tỷ lệ hài lòng với công việc và triển vọng phát triển sự nghiệp thấp.
Đặc biệt, ngành khoa học kỹ thuật phải đối mặt với tình trạng cắt giảm nhân lực khi các trường đại học ngày càng tập trung cho các nhóm ngành mới như trí tuệ nhân tạo, sản xuất tự động,...
Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, nhận xét: “Các ngành học bị loại bỏ đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện tại. Đa số chúng có thể rất phổ biến và được đón nhận rộng rãi nhưng không mang lại giá trị thực tiễn. Đặc biệt, hầu hết sinh viên tốt nghiệp ngành này thường phải vật lộn để tìm việc làm sau khi ra trường”.
Tuy nhiên, theo ông Xiong, khi điều chỉnh các chương trình đại học, các trường cần hạn chế theo đuổi xu hướng nhất thời và sự phổ biến. Bởi lẽ một chương trình học dù phổ biến và nổi tiếng đến đâu, không nên được triển khai nếu không phù hợp với nguồn lực và sứ mệnh của nhà trường.
Theo thống kê của Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Trùng Khánh, Trung Quốc, các trường đại học xếp hạng thấp ở miền Trung và miền Đông Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ loại bỏ một số lượng lớn các ngành học so với các trường đại học nổi tiếng hơn.
Nguyên nhân là các trường này phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các trường đại học ưu tú. Vì vậy, họ có xu hướng triển khai nhiều chương trình mới lạ và sáng tạo hơn để thu hút sinh viên.
Còn tại các trường đại học ở Bắc Kinh và Thượng Hải, Trung Quốc, khả năng loại bỏ các khóa học sẽ thấp hơn khi không phải chịu sự cạnh tranh gay gắt.
Theo đánh giá của tạp chí ScienceNet.cn, các trường đại học Trung Quốc cần cân nhắc kỹ đến nhu cầu của thị trường lao động và nguồn nhân lực sẵn có trong quá trình điều chỉnh các chương trình đào tạo. Việc chạy theo xu hướng và loại bỏ bừa bãi các chuyên ngành có thể tác động tiêu cực đến tiêu chuẩn giáo dục chung.