Theo DW, nguồn hỗ trợ tài chính khổng lồ của Trung Quốc đã thu hút đông đảo các nước đang phát triển. Những người ủng hộ BRI tin rằng sáng kiến đã mang lại nguồn lực và tăng trưởng kinh tế cho Nam bán cầu.
Tuy nhiên cũng đã có những ý kiến từ phương Tây và ở một số quốc gia nhận được tài trợ, như Sri Lanka và Zambia, rằng dự án cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn do Trung Quốc cung cấp khiến họ gánh các khoản nợ khó thanh toán.
Dự án xây dựng cảng do Trung Quốc tài trợ đang được tiến hành tại thành phố Colombo của Sri Lanka. Ảnh: AFP
Theo AidData, vấn đề chi phí tại những dự án do các công ty Trung Quốc xây dựng đã khiến nhiều nền kinh tế, bao gồm Malaysia và Myanmar, đang đàm phán lại thỏa thuận để giảm giá thành.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đang khắc phục các vấn đề của mình "và trở thành một nhà quản lý khủng hoảng ngày càng lão luyện". Bắc Kinh đang tìm cách giảm thiểu rủi ro cho BRI bằng cách điều chỉnh các hoạt động cho vay phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.
Và theo AidData, trong số những phương pháp đó, Trung Quốc còn có "các biện pháp ngày càng nghiêm ngặt để tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị 'bùng nợ'".
"Khả năng tiếp cận tài sản thế chấp bằng tiền mặt mà không cần sự đồng ý của người vay đã trở thành một biện pháp bảo vệ đặc biệt quan trọng trong danh mục cho vay song phương của Trung Quốc", báo cáo viết.
Theo AFP, tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai, Con đường lần thứ 3 vào tháng trước, ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ bơm hơn 100 tỷ USD vốn mới vào các dự án BRI.
Một báo cáo chung trong năm nay của Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác, bao gồm AidData, cho hay Bắc Kinh đã cung cấp các khoản vay cứu trợ hàng tỷ USD cho các nước tham gia BRI trong những năm gần đây.
Ngoài ra, theo AFP, các dự án hạ tầng lớn trong khuôn khổ BRI cũng nhận được sự quan tâm đáng kể liên quan đến lĩnh vực xử lý lượng phát thải carbon và tác động đối với môi trường.