Hồi tháng 2, Trung Quốc đã công bố giải pháp hòa bình gồm 12 điểm cho Ukraine. Trong đó, Trung Quốc kêu gọi các bên giảm leo thang, ngừng bắn và chấm dứt chiến sự, cũng như tiến tới các cuộc đàm phán hòa bình. Trung Quốc nhấn mạnh rằng cần phải tính tới các mối quan ngại về an ninh của tất cả các bên và không nên cố gắng đảm bảo hòa bình khu vực bằng cách mở rộng các khối quân sự.
Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc còn đề cập đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, trao đổi tù binh và đảm bảo xuất khẩu lương thực thông qua hành lang ngũ cốc.
Trung Quốc kêu gọi cấm phát triển và sử dụng vũ khí sinh học và hóa học, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân. Theo Trung Quốc, các bên nên ngừng áp đặt những biện pháp trừng phạt đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, đồng thời chống các nỗ lực vũ khí hóa nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng sẵn sàng hỗ trợ các khu vực xung đột ở Ukraine tái thiết sau chiến tranh.
Kế hoạch mà Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đưa ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore mới đây đó cũng có điểm giống với kế hoạch trên của Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, ông Prabowo đề xuất một kế hoạch nhiều điểm, trong đó có lệnh ngừng bắn tại vị trí hiện tại của cả hai bên tham gia xung đột và thiết lập một khu phi quân sự. Để thiết lập khu phi quân sự này, hai bên sẽ rút lui 15 km từ vị trí tiền phương của mỗi bên.
Theo ông Prabowo, khu phi quân sự cần được lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc triển khai giám sát. Ngoài ra, Liên hợp quốc cần tổ chức trưng cầu ý dân để xác định một cách khách quan mong muốn của đa số người dân ở các khu vực tranh chấp khác nhau.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky đã đề xuất một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, trong đó kêu gọi Nga rút toàn bộ binh sĩ khỏi Ukraine. Ông Zelensky cho rằng cơ sở để giải quyết xung đột ở Ukraine chỉ có thể là công thức hòa bình của Ukraine, trong đó có việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và thiết lập cơ chế quốc tế về bồi thường thiệt hại cho nước này.
Về phần mình, ngày 2/6, Chủ tịch Cơ quan lập pháp của bán đảo Crimea do Nga bổ nhiệm, ông Vladimir Konstantinov nói: “Chỉ có thể đạt đạt hòa bình nếu phương Tây hiểu cần phải đàm phán với Nga, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa đi đến kết luận như vậy”.