Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2 đang trong quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành vào tháng 7 tới. |
“Tao cho mày đất, mày xây nhà cho học sinh nhé. Tao bàn với vợ rồi. Mày là thầy giáo tốt, tao tin mày!”. Đây chính là lời tâm sự của anh Sơn vừa mới được thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, nhắc lại, kèm những hình ảnh về ngôi trường do anh hiến đất đang trong quá trình hoàn thiện.
Theo thầy Chùy chia sẻ thì không chỉ với Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2 mà ở biên giới Mường Nhé còn rất nhiều ngôi trường được đầu tư, xây dựng khang trang nhờ sự góp đất, góp sức của người dân. “Trong điều kiện cuộc sống còn hết sức khó khăn, thiếu thốn mà bà con tham gia được như vậy ngành rất trân quý. Điều này xuất phát từ chính sự tin tưởng, tình cảm quý mến mà bà con dành cho thầy cô”, thầy Chùy nói.
Tại xã Chung Chải, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông, Hà Nhì, Si La… Theo Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2 chia sẻ, thì nhiều năm nay người dân địa phương rất quan tâm đến việc học của trẻ.
“Hiện nay, các gia đình đều tự giác cho con em đến trường, lớp. Thầy cô không còn phải vất vả vận động nữa. Tỷ lệ học sinh chuyên cần cũng luôn được duy trì đảm bảo. Đặc biệt, bà con hết sức tin tưởng thầy cô, nhà trường. Khi được huy động tham gia bất cứ phong trào, hoạt động gì họ đều rất tích cực hưởng ứng”, thầy Lập chia sẻ.
Còn theo thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Chung Chải thì mỗi ngôi trường ở Chung Chải xây dựng đều ghi dấu của người dân bản địa. Thầy Khiêm có hơn 20 năm gắn bó với biên giới Mường Nhé nên hiểu rõ tình cảm, sự gắn bó của bà con.
Theo thầy kể, cách đây chục năm, ở bản Nậm Sin chỉ có điểm trường tạm bợ. Để bọn trẻ có điều kiện học tập tốt hơn, bà con đã tin tưởng, ủng hộ chủ trương xây dựng trường học kiên cố. Trong đó, gia đình ông Hù Chà Thái cũng từng hiến tặng 5.000 m2 đất sản xuất để làm trường.
“Thời ấy còn khó khăn hơn nhiều, mỗi tấc đất đều đáng quý. Vậy mà bà con đều không tiếc, còn hiến tặng không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Nhiều gia đình còn bỏ công, bỏ việc tham gia cùng thầy cô san nền, dựng phòng học… Đó cũng chính là động lực để các nhà trường, thầy cô tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho giáo dục vùng khó”, thầy Khiêm bộc bạch.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi có cơ sở hạ tầng mới. Đây sẽ là điều kiện cần thiết để hướng tới mục tiêu xây dựng trường chuẩn. Trước mắt là đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập theo chương trình mới của thầy, trò. Trong đó, ý nghĩa nhất là đảm bảo các điều kiện phục vụ nơi ăn, chốn nghỉ cho gần 300 học sinh ở bán trú tại trường”, thầy Lập chia sẻ.