Việc các trường cao đẳng mở một số ngành đào tạo giao thoa với trường đại học phải dựa theo quy định và đảm bảo tính cạnh tranh mới duy trì được lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Hạng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, cho dù là cơ sở giáo dục đại học hay cao đẳng, khi muốn mở một ngành đào tạo nào đó phải trải qua nhiều bước.
Đầu tiên, các trường cần khảo sát thị trường lao động, lấy phiếu ý kiến từ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dự kiến đào tạo; sau đó đánh giá tiềm năng về cơ hội việc làm của sinh viên khi ra trường. Căn cứ vào nhu cầu các doanh nghiệp mới tiến hành xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra cho người học.
Sau khi xây dựng được chương trình đào tạo, các trường sẽ mời chuyên gia, người sử dụng lao động đến thẩm định nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và chỉnh sửa nếu cần thiết. Khâu tiếp theo là truyền thông và tuyển sinh; đồng thời ký kết với doanh nghiệp về hợp tác chiến lược, trong đó có việc cung cấp giảng viên nội bộ, trang thiết bị thực hành, đặt hàng đào tạo với nhà trường.
Tuyển sinh xong, các trường tiếp tục bổ sung giảng viên, mua sắm trang thiết bị thực hành. Theo ông Nguyễn Văn Hạng, đặc thù của trường cao đẳng nghề là ưu tiên khả năng “thực chiến”. Ngoài những kiến thức lý thuyết cơ bản, sinh viên học tới đâu sẽ được thực hành tới đó nhằm trang bị tối đa các kỹ năng cần thiết về nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
“Các ngành đào tạo ở một số trường đại học hay cao đẳng vẫn có sự giao thoa. Ví dụ, trường đại học có ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; còn đa số các trường cao đẳng đặt tên ngành là Điện công nghiệp, Tự động hóa. Dù vậy, vị trí việc làm của sinh viên cao đẳng hay đại học sau khi ra trường không quá khác biệt. Cơ hội đầu ra của sinh viên mới là yếu tố quan trọng giúp các trường cao đẳng giữ vị thế cạnh tranh”, ông Hạng nhấn mạnh.
Dưới góc độ quản lý, TS Nguyễn Phong Tân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội cho biết, năm học 2025 - 2026, nhà trường dự kiến mở mã ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn. Trong đó, chương trình đào tạo, giảng viên cũng như các trang thiết bị thực hành sẽ được nhà trường phối hợp cùng Khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội để thực hiện. Việc này được tiến hành theo từng giai đoạn cụ thể và có lộ trình rõ ràng.
Để đầu tư đầy đủ hệ thống trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu ngành vi mạch bán dẫn tại trường cần mức kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Nhà trường sẽ trang bị dần để phù hợp từng giai đoạn sau khi tuyển sinh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy trò trong năm học tới. Mã ngành đào tạo về bán dẫn của Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội sẽ đào tạo sinh viên thực hiện được khâu đóng gói, hậu kiểm; còn khâu thiết kế và sản xuất phải ở bậc đại học.
“Khi còn trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trước đây, chúng tôi là đơn vị tiên phong trong việc mở mã ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn. Nhà trường tiến hành đánh giá từ chương trình, vị trí việc làm. Do đó, để nâng cao tính cạnh tranh, các nhà trường cần chú trọng chất lượng chương trình đào tạo, tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp để lo đầu ra cho sinh viên”, TS Nguyễn Phong Tân trao đổi thêm.
Từ thực tiễn cơ sở, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nêu quan điểm: Nếu muốn mở ngành đào tạo mới, các trường phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Các điều kiện như con người, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo là những yếu tố không thể thiếu với bất cứ cơ sở giáo dục nào. Sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt mới được mở ngành mới, không phải cứ thích mở là được.
Đối với các trường cao đẳng, khi mở ngành đào tạo cần thực hiện đầy đủ quy định không khác gì so với các trường đại học. Tại khoản 2, khoản 3 của Điều 3, Thông tư 02/2022 của Bộ GD&ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đã đề cập rõ những điều kiện chung về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.
“Ngày 11/4/2025, chúng tôi thông báo tuyển sinh hai mã ngành Ngôn ngữ Hàn với 250 chỉ tiêu; Ngôn ngữ tiếng Trung Quốc với 150 chỉ tiêu. Mỗi mã ngành khi học tại doanh nghiệp được hỗ trợ 100% học bổng, nếu sinh viên học tại trường được doanh nghiệp hỗ trợ học bổng từ 30 - 50%. Qua đây để thấy tầm quan trọng của việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong thu hút sinh viên theo học cũng như tạo việc làm sau tốt nghiệp”, TS Phạm Xuân Khánh nói.
Với tổng cộng 60 ngành nghề đào tạo ở 7 cơ sở sau khi sáp nhập bộ/ngành, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang lên kế hoạch mở thêm ngành mới về bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tuyển sinh trong năm học 2025 - 2026. Năm nay trường tuyển sinh khoảng 8.000 chỉ tiêu ở các mã ngành. Có ba lĩnh vực liên quan đến chip bán dẫn gồm: Điện công nghiệp; Điện tử công nghiệp; Cơ điện tử - tự động hóa.
TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường phân tích: Hiện chỉ có các trường đại học được cấp phép đào tạo nhân lực về thiết kế chip và linh kiện bán dẫn. Sau thiết kế thì quá trình sản xuất, kiểm thử và đóng gói các sản phẩm đó cũng vô cùng quan trọng. Những nhân lực phục vụ quá trình sau thiết kế chip bán dẫn từ sản xuất đến đóng gói chỉ cần học cao đẳng cũng có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Để tăng sức cạnh tranh khi mở các ngành đào tạo tương tự trường đại học, các trường cao đẳng cần tập trung vào việc tạo ra sự khác biệt rõ ràng, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kết nối với doanh nghiệp và cộng đồng, chú trọng trải nghiệm của sinh viên. Sự kiên trì và nỗ lực trong việc thực hiện các chiến lược này sẽ giúp trường thu hút được sinh viên tiềm năng và khẳng định vị thế”, TS Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.